Tại hội nghị này, các diễn giả đã trao đổi về những chủ đề: “Toàn cầu hóa chuỗi cung ứng dệt may và xu hướng phát triển bền vững của ngành Dệt May”; “Làm thế nào để xây dựng chuỗi cung ứng dệt may xanh”; “Vai trò của Hiệp hội Quốc tế trong quá trình kết nối chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu”; “Hợp tác khu vực và đầu tư có trách nhiệm trong ngành Dệt May”; “Xanh hóa chuỗi cung ứng dệt may thông qua hành động – kinh nghiệm trên thế giới tới các hành động quốc gia”; “Tích hợp tài nguyên chuỗi cung ứng để đáp ứng khách hàng toàn cầu”…

Các ý kiến đều đề cập tới việc  xây dựng các chuỗi cung ứng dệt may bền vững mang ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển công nghiệp dệt may toàn cầu, duy trì tính cạnh tranh của công nghiệp dệt may Việt Nam và Trung Quốc. 

{keywords}
 Xây dựng các chuỗi cung ứng dệt may bền vững mang ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển công nghiệp dệt may toàn cầu, duy trì tính cạnh tranh của công nghiệp dệt may Việt Nam và Trung Quốc.

Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch VITAS cho biết, Việt Nam đã cam kết tham gia thực hiện đầy đủ 17 mục tiêu về phát triển bền vững trong Chương trình nghị sự 2030 toàn cầu. VITAS đã thanh lập Ủy ban Môi trường và trong ba năm qua đã tham gia mạnh mẽ vào chương trình hành động “Xanh hóa ngành dệt may” với sự phối hợp, hỗ trợ của Liên minh Dệt May bền vững SAC và các tổ chức quốc tế như  GIZ, WWF, IDH, US-AID VLEEP, World Bank. Qua đó, đã góp phần định hướng doanh nghiệp đi theo hướng sản xuất xanh, bền vững, bảo vệ môi trường và lấy đó là một tiêu chí cạnh tranh nổi bật, cũng là một cách khẳng định với một số chính quyền địa phương có quan điểm bảo thủ khi cho rằng “dệt may là một ngành gây ô nhiễm”.

Ông Giang tin rằng, Hội nghị TASCC 2019 sẽ là cơ hội cho tất cả các doanh nghiệp, những nhà máy may, công ty cung cấp vải, nguyên phụ liệu, những đơn vị chuyên về giải pháp, cùng cập nhật thông tin về thị trường, xu hướng, tiềm năng, giải pháp của chuỗi cung ứng toàn cầu. Tại hội nghị này, các doanh nghiệp sẽ chia sẻ được với nhau cơ sở dữ liệu thành viên theo chuỗi, kết nối người bán và người mua hàng. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, đây cũng là cơ hội thực tế khách quan sẽ giúp cho công tác xây dựng các chính sách phát triển, hỗ trợ phát triển theo hướng bền vững của ngành Công Thương được cụ thể hơn.

Phát biểu về vai trò của các hiệp hội quốc gia trong việc xây dựng chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, ông Lê Tiến Trường – Phó Chủ tịch VITAS/TGĐ VINATEX cho biết, hiện nay Việt Nam mua 45% vải từ Trung Quốc, tuy ngành may Việt Nam nhập vải rất lớn từ Trung Quốc nhưng chủ yếu theo sự chỉ định nguồn nguyên liệu từ nhà nhập khẩu…, quan hệ này chỉ dừng lại ở quan hệ khách hàng – nhà sản xuất thông qua hợp đồng mà chưa phải là quan hệ mắt xích trong một chuỗi cung ứng.

Vì vậy các DN sản xuất vải Trung Quốc và doanh nghiệp may của Việt Nam cần tiến tới các thỏa thuận cùng phát triển sản phẩm trọn gói với nhà nhập khẩu, nhằm hướng tới hình thành chuỗi cung ứng thực chất, hình thành lợi ích chiến lược giữa nhà sản xuất nguyên liệu và doanh nghiệp may, tránh việc bán phá giá, ép giá ở từng khâu của chuỗi cung ứng, đem lại lợi ích hài hòa lâu dài cho các thành viên trong chuỗi, ông Tường nhấn mạnh.

Thanh Tú