Đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS), phục vụ tốt hơn công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền, đem lại tiện ích thiết thực cho đời sống người dân, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hạ tầng mạng lưới, dịch vụ viễn thông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được các đơn vị viễn thông đầu tư đồng bộ và ngày càng đa dạng, hiện đại.
Qua đó góp phần hình thành nền kinh tế số - xã hội số, đưa Vĩnh Phúc cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh, VNPT Vĩnh Phúc đã triển khai các dự án nhằm xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số trên địa bàn tỉnh và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Hiện, đơn vị có hơn 300 trạm Macro 3G, hơn 330 trạm Macro 4G, 6 trạm IBS, 68 trạm Remote 3G/4G; dịch vụ kết nối băng rộng tốc độ cao được triển khai với hàng nghìn km cáp quang kết nối tới trung tâm các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn và các khu công nghiệp. Mạng truyền số liệu chuyên dùng cho các cơ quan Nhà nước được kết nối từ cấp tỉnh tới cấp xã.
Từ đầu năm 2022, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) được triển khai, đến nay, 100% TTHC đã được số hóa, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Cùng với đó, đơn vị còn cung cấp đa dạng các sản phẩm, giải pháp công nghệ thông tin như: Chữ ký số, hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử, hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, App Công dân số/phản ánh kiến nghị của người dân và doanh nghiệp... và tiên phong trên cả nước xây dựng hệ sinh thái CĐS cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thúc đẩy quá trình CĐS trên địa bàn tỉnh, hiện, đơn vị đang tiếp tục triển khai các hoạt động, xây dựng cơ sở dữ liệu cho các ngành và các nền tảng dùng chung, ứng dụng công nghệ 4.0 như Dự án “Xây dựng hạ tầng nền tảng số phục vụ CĐS tỉnh Vĩnh Phúc”; Cổng dữ liệu mở; Cổng thông tin bản đồ và tích hợp các ứng dụng, giải pháp thông minh (AI) vào các hệ thống công nghệ thông tin...
Với chủ trương “Đầu tư hạ tầng trước, kinh doanh sau”, sau 20 năm thành lập và đi vào hoạt động, Viettel Vĩnh Phúc từng bước phát triển lớn mạnh, không ngừng đầu tư vào công nghệ, hạ tầng, tiện ích dịch vụ mới đồng hành, hỗ trợ các cơ quan, đơn vị, người dân, doanh nghiệp thực hiện CĐS, hướng tới xây dựng nền kinh tế số; vươn lên trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực viễn thông - công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, đơn vị có hơn 1 triệu thuê bao các loại, 430 trạm BTS, 1.250 km cáp quang và là nhà mạng đầu tiên trong tỉnh phủ sóng trạm BTS 5G.
Thực hiện công cuộc CĐS quốc gia, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân, tỉnh chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và chất lượng dịch vụ.
Đến nay, toàn tỉnh có 5 nhà cung cấp dịch vụ điện thoại và 5 nhà cung cấp dịch vụ Internet với 3.000 trạm BTS. Hạ tầng truyền dẫn đã được cáp quang hóa 100%, tạo ưu thế tuyệt đối về băng thông, tốc độ, chất lượng.
Hiện, tỷ lệ phủ sóng di động 3G, 4G trên địa bàn tỉnh đạt 100%; 60 trạm phát sóng 5G của Viettel đã được lắp đặt tại các vị trí trung tâm, các khu công nghiệp, khu du lịch nhằm tăng tốc độ đường truyền.
Toàn tỉnh có 286 nghìn thuê bao Internet băng rộng cố định và hơn 1 triệu thuê bao Internet băng rộng di động; tỷ lệ hộ gia đình có thuê bao Internet băng rộng cố định đạt 90% thông qua 5 nhà cung cấp dịch vụ gồm Viettel Vĩnh Phúc, VNPT Vĩnh Phúc, FPT Vĩnh Phúc, Công ty SCTV và VTVcap.
100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn xử lý công việc qua Phần mềm quản lý văn bản và điều hành. Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu LGSP được thiết lập đã kết nối với Cổng thanh toán tập trung Quốc gia và sẵn sàng kết nối đến cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành Trung ương.
Sự phát triển không ngừng của hạ tầng, dịch vụ viễn thông đã góp phần quan trọng vào tiến trình CĐS của tỉnh. Nhiều ứng dụng CĐS được triển khai đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp khi giải quyết TTHC.
Chủ động nắm bắt cơ hội CĐS mang lại, tổng doanh thu của các doanh nghiệp bưu chính - viễn thông trên địa bàn tỉnh năm 2024 ước đạt 3.000 tỷ đồng.
Đẩy nhanh công cuộc CĐS, góp phần thúc đẩy KT-XH của tỉnh phát triển, mới đây, trong buổi tiếp và làm việc với lãnh đạo các Tập đoàn VNPT, FPT... với nhiều đề xuất hợp tác với tỉnh trong lĩnh vực CĐS, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông đã giao Sở Thông tin và Truyền thông làm đầu mối triển khai các nội dung hợp tác theo đúng các đề án, chương trình CĐS của Chính phủ và của tỉnh.
Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin cần tiếp tục hoàn thiện hạ tầng phục vụ CĐS theo hướng hiện đại, đồng bộ, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu về triển khai các nền tảng, ứng dụng dùng chung, kết nối, liên thông xử lý dữ liệu và bảo đảm an toàn, an ninh mạng... để đẩy nhanh tiến trình xây dựng chính quyền số - kinh tế số - xã hội số; phục vụ đắc lực công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển trên địa bàn tỉnh.
Theo Lưu Nhung (Báo Vĩnh Phúc)