Đẩy mạnh giải ngân vốn

Báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tháng 10/2021, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt 41.700 tỷ đồng, tăng 18,6% so với tháng 9. 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, các giải pháp Chính phủ đề ra về công tác phòng chống dịch, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội cùng với sự nỗ lực của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã bước đầu có hiệu quả.

Tín hiệu tích cực đã có, khi trạng thái bình thường mới đang dần được thiết lập. Tuy nhiên, nếu tính chung 10 tháng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận: “Giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm, thấp so với cùng kỳ và chưa đạt yêu cầu đề ra”.

Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công năm nay bị tác động mạnh mẽ bởi dịch Covid-19. Các biện pháp giãn cách xã hội đã dẫn đến gián đoạn vận chuyển nguyên nhiên vật liệu và thiết bị để triển khai thi công; giá nguyên vật liệu đầu vào cũng tăng. Hơn nữa, giải ngân chậm còn do công tác điều hành, tổ chức thực hiện có lúc, có nơi chưa kịp thời, còn lúng túng, bị động, thiếu quyết liệt...

Trong khi chỉ có 7 bộ và 20 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 65%, thì có tới 32/50 bộ, cơ quan trung ương và 21/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 50%. Thậm chí, tới thời điểm này, vẫn có 2 cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn.

{keywords}
Đẩy mạnh đầu tư công: Động lực để kinh tế vượt qua đại dịch

Liên quan tới đầu tư công, phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, cần đầy mạnh đầu tư công, bởi đây là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn, việc làm và hỗ trợ cho khu vực kinh tế tư nhân trong bối cảnh đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài trì trệ.

Vì vậy ông đề nghị, cần phải tạo bước đột phá về đầu tư công trên cơ sở tháo gỡ mọi rào cản, vướng mắc về mặt thể chế, nhất là quy trình, thủ tục, đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu, giải ngân,… trong triển khai các dự án đầu tư công và giải ngân đầu tư công; phấn đấu giải ngân ít nhất 80% số vốn đầu tư công của năm 2021 và vốn đầu tư của các năm trước chuyển sang…

Nhiều giải pháp 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã chỉ ra 7 yếu tố có thể ảnh hưởng tới nền kinh tế. Trong đó, giải ngân vốn đầu tư công được coi là một thách thức lớn. “Giải ngân đầu tư công chậm là thách thức đối với việc hoàn thành mục tiêu cả năm. Thực tế này đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương cần phát huy sự chủ động, loại bỏ tâm lý e ngại trách nhiệm và lưu tâm đúng mức đến thúc đẩy tác động lan tỏa của các dự án đầu tư công”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Theo đó, hàng loạt giải pháp đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, như quyết liệt triển khai Nghị quyết số 63/NQ-CP, Nghị quyết số 105/NQ-CP nhằm tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư và thực hiện các dự án giao thông trọng điểm, hạ tầng số; sửa đổi quy định pháp luật còn chồng chéo, cản trở hoạt động đầu tư công…

Bên cạnh đó, khẩn trương xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2022; bảo đảm an toàn và tiến độ thi công công trình trong mùa thiên tai, mưa lũ cuối năm…

Một đề xuất quan trọng khác cũng đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình lên Chính phủ, đó là cho phép không thực hiện cắt giảm kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2021 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đến ngày 30/9/2021 có tỷ lệ giải ngân dưới 60% kế hoạch.

Nhấn mạnh vai trò người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp công tác giải ngân vốn là yếu tố quyết định đến kết quả giải ngân của dự án, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, phải làm quyết liệt hơn nữa từ các bộ, ngành đến các địa phương; cần giao trách nhiệm cho người đứng đầu làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, đấu thầu... “Các địa phương và các bộ, ngành phải nghiêm túc thực hiện mới có thể giải quyết được tận gốc vấn đề”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương gửi báo cáo về tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công hằng tháng cho Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (đồng gửi Văn phòng Chính phủ) theo quy định tại Công điện số 7036/CĐ-VPCP ngày 30.9.2021 của Văn phòng Chính phủ và Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 6.4.2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công.

Bộ Tài chính tổng hợp chung các báo cáo về tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công hằng tháng của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ (đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư) theo đúng quy định. Gửi thông tin về kết quả giải ngân vốn đầu tư công hằng tháng của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cho Cổng Thông tin điện tử Chính phủ để công khai theo quy định.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Bảo Anh