Trong giai đoạn 2020-2025, dự báo tình hình cung ứng điện sẽ căng thẳng, nhiều dự án nguồn điện khó đi vào hoạt động sớm hay đúng tiến độ. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện vẫn tiếp tục tăng cao, bình quân 10%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế.

{keywords}
Dư địa để đẩy mạnh tiết kiệm điện sẽ tập trung nhiều ở khối hành chính sự nghiệp và chiếu sáng công cộng. 

Với tình hình cung ứng điện dự báo khó khăn như hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong giai đoạn này, cả nước phải phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ.

Báo cáo từ Bộ Công Thương cho hay giai đoạn 2017-2019, thực hiện Chỉ thị số 34/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện, cả nước đã tiết kiệm được trên 9 tỷ kWh, tương đương 15.000 tỷ đồng, với mức tiết kiệm bình quân đạt 1,5% tổng điện năng tiêu thụ hằng năm.

Theo tính toán của ngành điện, việc thiếu điện sẽ diễn ra gay gắt vào giai đoạn 2021-2025.

Ngay trong năm 2020, do tình hình hạn hán kéo dài từ năm trước, lượng nước tại các hồ thủy điện trong cả nước chỉ đạt khoảng 60% dung tích thiết kế, riêng các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh cũng chỉ chạy cầm chừng.

Để giảm thiểu tình trạng thiếu điện, ngành điện xác định cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đến cộng đồng việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Cụ thể, ngành điện đã phát động các chương trình thi đua “Tiết kiệm điện trong công sở;” Chương trình thi đua tiết kiệm điện trong sản xuất... Đến nay, có trên 200 đơn vị gửi đăng ký tham gia thi đua các chương trình nêu trên.

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu tiết kiệm điện 2% tổng điện năng tiêu thụ hàng năm như Chỉ thị 20/CT-TTg của Chính phủ (Chỉ thị 20) sẽ là rất khó, bởi các doanh nghiệp muốn tăng cường tiết kiệm điện, sẽ phải đầu tư thêm máy móc, công nghệ, tốn nhiều chi phí và khó có thể thực hiện sớm.

Do vậy, dư địa để đẩy mạnh tiết kiệm điện sẽ tập trung nhiều ở khối hành chính sự nghiệp và chiếu sáng công cộng. Thời gian qua, 2 khối này có mức độ tiết kiệm thấp.

Trong Chỉ thị 20, Chính phủ cũng yêu cầu khối hành chính sự nghiệp đảm bảo hàng năm tiết kiệm tối thiểu 5% tổng điện năng tiêu thụ trong năm và khối chiếu sáng công cộng là 20%.

Còn với doanh nghiệp sản xuất, cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm phải tiết kiệm ít nhất 2% điện năng tiêu thụ trên một đơn vị sản phẩm mỗi năm. Cái khó là làm sao để đánh giá được mức 2%/sản phẩm này.

Vấn đề này phải có kiểm toán năng lượng, giám sát mức độ tiêu thụ, công cụ kiểm soát. Ví dụ như mặt hàng sắt thép phải có mặt bằng chung quy định mức năng lượng, kiểm toán...

Ngoài ra, các chương trình hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ tiết kiệm điện cũng rất quan trọng... 

Phùng Thủy