Công ty Cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế - HueWACO nằm trong số các DN không ngừng đầu tư, nâng cấp, mở rộng mạng lưới, ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm đảm bảo cấp nước an toàn, nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước sạch tới khách hàng. Nhà máy nước được trang bị các hệ thống xử lý nước công nghệ cao, đồng bộ gồm các thiết bị hiện đại cảnh báo nước đục và ô nhiễm từ xa để nhà máy chuẩn bị phương án hóa chất xử lý phù hợp, chống dầu, chống rác, chống cát, chống ngập lụt, công nghệ xử lý chất vô cơ bằng bể lắng thông minh và công nghệ lọc vi sinh học xử lý chất hữu cơ, hệ thống xử lý nước thải, bùn khép kín thân thiện môi trường và phòng điều khiển trung tâm ứng dụng công nghệ 4.0.

Hệ thống xử lý nước di động In Filter DAF HueWACO

Qua hơn 10 năm thực hiện chứng nhận an toàn, rà soát các mối nguy sự cố, kết hợp nghiên cứu ứng dụng KH&CN theo hướng CMCN 4.0 (lắp đặt thiết bị giám sát và cảnh báo chất lượng nước online (độ đục, pH, Clo dư) ở mỗi công đoạn (nguồn - lắng - lọc - bể chứa và trên mạng lưới) với 92 thiết bị đo online tại các nhà máy và 22 thiết bị tại mạng; Thiết bị phân tích tự động; Phòng thí nghiệm đạt chuẩn  ISO/IEC 17025:2017,...), công ty đã ứng dụng đầy đủ các giải pháp công nghệ tiến tiến tại nhà máy, đảm bảo tính bền vững ngay cả khi thiên tai, dịch bệnh. Nhờ vậy, kịp thời theo dõi và xử lý các sự cố xảy ra trong quá trình xử lý nước. 

Ví dụ này được đưa ra tại Hội thảo khoa học với chủ đề “Đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế” vừa được tổ chức. 

Theo ông Nguyễn Kim Tùng, Phó Giám đốc Sở KH&CN Thừa Thiên Huế, tỷ lệ ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng đang tăng dần, tuy nhiên số lượng DN sẵn sàng tiếp cận CMCN 4.0 và các công nghệ từ cuộc cách mạng này vẫn còn thấp so với mặt bằng chung. Nhiều DN vẫn đang duy trì mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào khai thác lợi thế về tài nguyên, gia công lắp ráp, lao động có kỹ năng thấp. Nhìn chung, các DN còn thụ động trong việc đổi mới, chuyển mình nhằm thích ứng với thời cuộc.

Hệ thống xử lý nước sạch di động DAF - HueWACO, công suất 1.200m3/ngđ được lắp đặt tại nhà máy nước sạch Điền Môn – Quảng Điền TT. Huế  

Sở KH&CN Thừa Thiên Huế cho biết, trong khoảng 6.000 DN đang hoạt động, phần lớn là DN vừa và nhỏ, còn khó khăn về khả năng đầu tư thiết bị, công nghệ do thiếu vốn. Một số DN đã có khả năng đầu tư nhưng hạn chế về thông tin và nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu vận hành và hệ thống quản lý, điều hành chưa tương thức. Điều đó dẫn đến hoạt động đổi mới và ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao NSCL sản phẩm hàng hóa và năng lực cạnh tranh của DN chưa được chú trọng đúng mức.

“Việc tiếp cận những thành tựu của CMCN 4.0 là con đường ngắn nhất để các DN bứt phá, tận dụng các cơ hội để giảm chi phí, nâng cao năng suất chất lượng (NSCL) sản phẩm hàng hóa, gia tăng vị thế cạnh tranh trên thị trường… CMCN 4.0 đang loại bỏ dần ưu thế của kinh nghiệm, phương thức quản trị cũ và mô hình kinh doanh cũ. Tuy nhiên, đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với DN khi nền sản xuất công nghiệp dựa vào gia công và tăng cường lao động đang chiếm phần lớn trong các DN sản xuất, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế”, ông Tùng nhấn mạnh.  

CMCN 4.0 là thời cơ để DN thoát khỏi cái mác “lạc hậu”, yếu kém về công nghệ và quản lý, trở nên hiện đại và chuyên nghiệp hơn. Thông qua các công cụ phần mềm quản lý, cũng như trang thiết bị sản xuất và dây chuyền công nghệ thông minh, các DN trên địa bàn tỉnh có thể cạnh tranh sản phẩm với DN khác trong và ngoài nước. Bằng việc áp dụng công nghệ tự động, các DN có thể tiết kiệm tối đa các chi phí như thuê nhân sự, mua sắm trang thiết bị máy móc, cắt giảm các quy trình không cần thiết, tốn thời gian. Từ đó, tăng hiệu quả quản lý, tăng năng suất làm việc, tăng doanh thu, giảm thiểu gánh nặng cho đội ngũ lãnh đạo. Thông qua trí tuệ nhân tạo, các DN có thể tiếp cận và chăm sóc khách hàng tốt hơn, nâng cao doanh thu và lợi nhuận. 

Ngoài các cơ hội mang lại, CMCN 4.0 còn đi cùng không ít thách thức cho các DN. Nhiều DN hoạt động theo hình thức truyền thống và còn đang loay hoay tìm cách tồn tại phát triển trong thời đại công nghệ số. Nền tảng cơ sở hạ tầng và năng lực còn hạn chế cũng là một trong những thách thức không nhỏ mà các DN đang phải gánh chịu trong thời đại công nghệ 4.0. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cạnh tranh và thu hút khách hàng tiềm năng cho các DN.  

Để giải được bài toán này, các DN cần nhìn nhận được những điểm mạnh, điểm yếu của mình, thay đổi tư duy trong tiếp cận giải pháp, tìm kiếm các cách làm hay để nâng cao năng suất một cách toàn diện trước khi quyết định đầu tư công nghệ. Tuy nhiên, sự nỗ lực của DN là chưa đủ, DN không thể vươn mình nếu không có sự hỗ trợ của cơ quan Nhà nước trong giai đoạn khởi đầu.