Gặp khó khăn trong xây dựng thương hiệu ngành gỗ 

Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước bình quân khoảng 3-4 tỷ USD/năm, ngành gỗ Việt Nam xuất khẩu bình quân mỗi năm trên 10 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới, thứ 2 châu Á, thứ nhất Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Số liệu thống kê cho thấy, 9 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu sang Anh gần 140 triệu USD sản phẩm gỗ, khoảng gần 30 triệu USD các loại lâm sản ngoài gỗ. Tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng gỗ từ Việt Nam sang thị trường Anh là khoảng 170 triệu USD và dự báo cả năm nay Việt Nam có thể xuất khẩu sang Anh khoảng 230 triệu USD. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Anh đang chiếm khoảng 1,5% tổng kim ngạch gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam.

do go 10.jpg
Thương hiệu của các sản phẩm gỗ Việt vẫn mờ nhạt

Hiện thị trường xuất khẩu của đồ gỗ Việt Nam đã được mở rộng từ 60 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2008 lên hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ vào năm 2022; từ xuất khẩu các sản phẩm thô, đến sản phẩm mẫu mã đẹp, phong phú về chủng loại.

Dù đã có chỗ đứng vững chắc tại thị trường trong nước, song những thương hiệu mạnh về đồ gỗ, nội thất Việt Nam vẫn chưa thể ghi dấu ấn trên thị trường quốc tế khi phần lớn phải “mượn tên” thương hiệu của doanh nghiệp nước ngoài khi xuất khẩu ra thị trường các nước.

Phần lớn các sản phẩm gỗ của Việt Nam mới chỉ chiếm được niềm tin của các khách hàng là nhà bán buôn, đại lý nước ngoài và gần như "vô danh" đối với người tiêu dùng quốc tế.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, nguyên nhân của tình trạng này là do chính sách phát triển thương hiệu ngành chế biến gỗ chưa được thực hiện. Trong khi đó, các doanh nghiệp gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam chưa có kinh nghiệm, không đủ nguồn lực về vốn, con người, trình độ quản lý để phát triển hệ thống bán hàng ở nước ngoài, thiết lập cơ sở nền tảng để xây dựng thương hiệu. Việc phát triển thị trường ở nước ngoài đòi hỏi năng lực sản xuất quy mô lớn, ít có doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được yêu cầu này.

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đánh giá, hiện trong xây dựng thương hiệu ngành gỗ đang có hai khó khăn. Thứ nhất, hầu hết doanh nghiệp của chúng ta đều sản xuất gia công theo các đơn hàng, kiểu, mẫu mã từ khách hàng nước ngoài, chưa chủ động tung ra những mẫu mã, thiết kế mang giá trị văn hóa Việt. Trong khi, chi phí chúng ta bỏ ra để có bản quyền sản xuất cái ghế, bàn còn cao hơn so với lợi nhuận được hưởng từ sản phẩm đó.

Thứ hai, năng lực xúc tiến thương mại của chúng ta còn hạn chế cả ở tầm quốc gia lẫn hiệp hội, doanh nghiệp, do đó vẫn chưa có được thương hiệu quốc gia với sản phẩm gỗ Việt, chưa có được thương hiệu đối với từng doanh nghiệp cũng như từng sản phẩm. Cũng vì vậy nên thường chúng ta thụ động, chờ đợi khách hàng đến, đưa mẫu mã đề nghị gia công chứ chưa chủ động nghiên cứu, tiếp cận từng đối tượng khách hàng và có được sản phẩm make in VietNam.

Phải thay đổi để tận dụng UKVFTA

Từ thực tế trên, ông Ngô Sỹ Hoài cho rằng, chúng ta cần tăng cường năng lực xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu của Việt Nam. Tuy nhiên, không thể giải quyết một sớm một chiều mà cần sự vào cuộc của các Bộ, ngành, doanh nghiệp.

Cũng theo ông Hoài, trong những năm gần đây Hiệp hội ghi nhận các cơ quan Bộ, ví dụ, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương rất nỗ lực tổ chức các cuộc gặp gỡ doanh nghiệp với doanh nghiệp, diễn đàn, cuộc trao đổi với các cơ quan đại diện nước ngoài, các hội chợ hoành tráng, quy mô lớn thu hút khách hàng đến Việt Nam, có giao lưu với doanh nghiệp Việt Nam.

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng đang đặc biệt chú ý đến việc tăng cường năng lực thương mại, chủ động tổ chức các hội chợ lớn. Bởi mỗi năm chúng ta có khá nhiều hội chợ về sản phẩm gỗ xuất khẩu, về máy móc và công nghệ chế biến gỗ để các nhà sản xuất Việt Nam có thể tiếp cận khách hàng, công nghệ, thiết bị và giao lưu trao đổi trực tiếp với người mua.

Về phía doanh nghiệp, đại diện Hiệp hội cho rằng các doanh nghiệp chưa chú trọng đến việc đào tạo nhân lực, nguồn lực có đam mê, tài năng để chủ động hơn trong việc thiết kế mẫu mã và xây dựng thương hiệu. Nếu chúng ta cứ chấp nhận làm ăn như hiện nay, không có những chuyển đổi mạnh mẽ sang phát triển theo chiều sâu thì sẽ gây thiệt thòi cho sản phẩm tại thị trường Anh cũng như sức lực, chi phí bỏ ra.

Vì vậy, đồng thời với việc đầu tư sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường khi có được đơn hàng nước ngoài, cần tăng cường cải thiện quản trị doanh nghiệp, tăng  cường năng lực tiếp thị, xúc tiến thương mại và quan tâm đến xây dựng thương hiệu lâu dài nếu muốn phần lợi ích được hưởng trong từng sản phẩm tương xứng với công sức. 

"Trong thời gian tới, các Bộ, ngành, Hiệp hội và doanh nghiệp ngành gỗ cần có sự liên kết tốt hơn để tận dụng tốt cơ hội từ UKVFTA và tạo hiệu ứng lan toả mạnh mẽ trong chuỗi cung ứng sản phẩm gỗ của thị trường Việt Nam đến thế giới, trong đó có thị trường Anh", đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam bày tỏ.

Văn Lợi và nhóm PV, BTV