Dù các trường học rất nỗ lực ngăn chặn bạo lực học đường nhưng dường như vấn nạn này ngày càng phức tạp. Theo báo cáo của Cục Trẻ em (Bộ LĐ&TBXH), trong 4 tháng đầu năm 2023, chỉ tính riêng các cuộc gọi đến Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 liên quan đến bạo lực học đường đã tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Thống kê thông qua các vụ việc cơ quan công an thụ lý, xác minh và giải quyết cũng cho thấy, xu hướng xâm hại trẻ em năm 2023 gia tăng so với năm 2022.

Mới đây nhất, chỉ vì “nhìn nhau không thiện cảm” mà một nữ sinh lớp 8A (trường THCS Phan Ngọc Hiển, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) đã túm tóc đánh bạn cùng lớp.

anh bai bao luc.jpg
Học sinh trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm được học về giá trị sống nhằm xa lánh những tệ nạn xã hội. 

Theo báo cáo của nhà trường, sự việc xảy ra vào khoảng 12h trưa 7/10, nhóm học sinh lớp 8A đánh nhau trong lớp. Em T.N.K. và em N.T.V. đánh nhau do mâu thuẫn "nhìn nhau không có thiện cảm". Trong lúc em K. túm tóc tát nhiều cái vào mặt em V., đồng thời quật em V. xuống đất và đá vào người em V. thì em N.K.N. quay clip lại cho gia đình xem. Clip sau đó được phát tán lên mạng xã hội và bị nhiều người bình luận, lên án.

Đáng ngại, trong lúc hai nữ sinh đánh nhau, các bạn khác chỉ đừng nhìn mà không can ngăn. Nhà trường đã thành lập hội đồng kỷ luật buộc em K. thôi học một tuần, đồng thời gửi thông báo về gia đình giám sát và giáo dục K..

Đối với 4 em khác chứng kiến bạn đánh nhau nhưng không can ngăn cũng bị khiển trách trước tập thể toàn trường, đồng thời gửi thông báo về gia đình để giáo dục, giám sát.

Do nhiều yếu tố, các chuyên gia giáo dục cho rằng bạo lực học đường không thể “nói chấm dứt là kết thúc ngay”. Bởi ngày nay, tâm lý học sinh khác trước, các em được tiếp cận với nhiều luồng thông tin từ Internet, tuy nhiên không phải thông tin nào cũng hữu ích. Khi không có sự quan tâm, uốn nắn kịp thời từ gia đình và nhà trường thì các em sẽ bắt chước, hành động y như vậy và cho đó là "oai", mới xứng đáng là chơi trội, "anh hùng". 

Một ánh nhìn bình thường cũng có thể bị cho là "nhìn đểu", một bình luận vô tình trên Facebook cũng bị quy kết, rồi thêm chuyện học trò yêu đương, ghen tuông… cũng có thể lôi nhau ra giải quyết bằng những cú túm tóc, giật áo rồi quay clip tung lên mạng xã hội. Chính vì thế, dạy cho các em giá trị sống là một trong những mục tiêu giúp các em tránh xa bạo lực, tệ nạn xã hội.

Nhà giáo, TS. Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch HĐQT Hệ thống Trường Chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm cho rằng, môn học giáo dục giá trị và kỹ năng sống vô cùng quan trọng với học sinh hiện nay. “Tại trường tôi, môn học này đã viết thành tài liệu tập hợp những bài giảng của nhiều nhà tâm lý đã được thông qua bởi Hội tâm lý học Việt Nam. Hiện tại nhà trường áp dụng giảng dạy từ lớp 1 đến lớp 12. Ở bộ môn này, thầy cô sẽ giúp các em nhận thức nâng cao giá trị bản thân xa lánh những điều bất lợi cho trẻ.

Ngoài ra, nhà trường cũng có chương trình giáo dục lối sống riêng do tổ tâm lý, tổ giáo dục công dân và tổ pháp luật, các thầy cô giáo chủ nhiệm, đoàn đội tham gia. Chương trình có tài liệu cụ thể được tập trung giáo dục theo từng chuyên đề mỗi tháng được lồng ghép trong các môn học và thể hiện ở những tiết sinh hoạt lớp, sinh hoạt toàn trường”, nhà giáo Nguyễn Văn Hoà nói.

Ông cho biết, tại trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, tiết học giáo dục giá trị sống sẽ được tổ chức từng đợt, từng nhóm lớp học sinh. “Trong tháng 9 vừa qua, trường tổ chức một loạt các chương trình giáo dục về ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục cho học sinh đầu cấp phòng chống những tệ nạn (như thuốc lá điện tử, bạo lực học đường) và những cám dỗ trong cuộc sống”, thầy Hoà thông tin.

Bản thân thầy Hòa cho biết ông cũng trực tiếp xuống các lớp đầu cấp giao lưu với các em. Ở những buổi giao lưu này, thầy sẽ chia sẻ về những giá trị sống (sống có ước mơ, sống xa lánh những chuyện tầm thường, những tệ nạn xã hội) và cũng lắng nghe giải đáp kịp thời những băn khoăn, thắc mắc của học sinh.

Vũ Huệ và nhóm PV, BTV