- TP.HCM từ sầm uất đang trở nên trầm uất vì những cơ chế ràng buộc, động lực tăng trưởng giảm từ 2 con số xuống còn 1.
Phát biểu trước QH sáng nay về dự thảo nghị quyết cơ chế, chính sách phát triển riêng cho TP.HCM, ĐB kỳ cựu Dương Trung Quốc cho rằng, thời điểm này đã chín rồi, không thể kéo dài hơn được nữa.
“Từ thành phố sầm uất, TP.HCM đang trở nên trầm uất vì những cơ chế ràng buộc”, ông Quốc nhìn nhận.
Các đầu tàu vẫn chạy bằng đầu máy hơi nước
Nhà sử học cho biết, từ hàng nghìn năm nay, vùng đất Sài Gòn đã có nhiều điều kiện phát triển mạnh mẽ, từng được nhắc đến với niềm tự hào là hòn ngọc Viễn Đông khi Singapore mới chỉ là một xóm trại.
ĐB Dương Trung Quốc. Ảnh: Minh Đạt |
Nhưng giờ TP.HCM đang cùng mặt bằng chung với các địa phương khác, không bứt phá được, do đó ĐB Quốc cho rằng việc xây dựng nghị quyết riêng cho TP.HCM không chỉ mang lại cho đất nước lợi ích về kinh tế mà cả cơ chế. Sau 5 năm nữa, nếu làm tốt, có thể sẽ áp dụng thêm ở nhiều TP khác, tạo sự bứt phá chung.
Đồng quan điểm, Phó chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong nói, giờ mới tính đến cơ chế riêng cho TP.HCM là hơi muộn.
“Một thời chúng ta đầu tư dàn trải, thiếu mũi nhọn trong khi các đầu tàu là động lực để chuyển cả vùng, cả nước lại bị bó hẹp khiến đầu tàu mãi chạy bằng đầu máy hơi nước, trong khi người ta đi bằng nguyên tử rồi”, ĐB nêu.
ĐB cho biết, hiện nay không riêng TP trực thuộc TƯ, 16 tỉnh khác cũng đang đóng góp ngân sách để nuôi các tỉnh còn lại. Do đó các tỉnh hưởng ngân sách TƯ cũng phải biết tri ân các đầu tàu, trong đó có TP.HCM. Ngay lúc này phải tập trung sâu, tạo động lực mạnh mẽ cho đầu tàu phát triển.
Hiện tại, động lực tăng trưởng của TP đang chậm lại, từ 10,7% trước 2010 xuống còn 9,6% năm 2015.
Lương quá cao có thể làm chảy máu chất xám nơi khác
Phó chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng không nên áp cứng cho TP.HCM không được trả lương cho cán bộ vượt quá 1,8 lần lương cơ bản.
“Nếu như tiết kiệm được thì chi 3 lần cũng không sao. Nên giao cho TP căn cứ vào cống hiến, chất lượng công việc để trả và nên mở cho thoáng”, ông Lợi nói.
ĐB Nguyễn Quang Tuấn. Ảnh: Minh Đạt |
Giám đốc BV Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn cũng nhìn nhận lương tăng chính là động lực, điều kiện tiên quyết để chống lại tham nhũng vặt, nhũng nhiễu, chây ỳ của cán bộ, công chức.
Theo ĐB, TP.HCM có mức sống cao thì trần 1,8 lần lương cơ bản không hợp lý. Không nên để trần, không nên cào bằng mà giao quyền cho HĐND TP tự quyết định dựa trên cân đối thu chi ngân sách, điều này sẽ tạo động lực cho cán bộ làm việc tốt hơn.
Tuy nhiên ông cũng lo lắng, khi có cơ chế đặc thù, TP sẽ phát triển, thu hút người lao động khắp nơi, thậm chí có thể tạo di cư ồ ạt, tạo áp lực cho giao thông, trường học, bệnh viện, đặc biệt các mặt trái xã hội như nghiện hút, cướp giật, ùn tắc, quá tải hàng không...
“Tôi mong muốn TP có chiến lược đầy đủ để phát triển không chỉ kinh tế, làm sao để TP yên bình, đáng sống”, ĐB kiến nghị.
Tranh luận lại ý kiến của một số ĐB, ĐB Phan Thái Bình (Quảng Nam) lại cho rằng cần thiết phải quy định trần hưởng lương của cán bộ công nhân viên chức TP.HCM, nếu không sẽ chênh lệch quá lớn với các địa phương khác.
Phó giám đốc BV ĐH Y Hà Nội Nguyễn Lân Hiếu cũng nêu không áp trần lương sẽ tạo ra sự bất cập lớn, có thể dẫn đến chảy máu chất xám của các địa phương khác khi nguồn nhân lực đổ dồn về TP.HCM.
Cân nhắc áp dụng thuế tài sản
ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) đồng ý có cơ chế đặc thù cho TP.HCM nhưng bà lo ngại về đề nghị áp dụng thuế tài sản. Đây là thuế có lịch sử ở nhiều nước như Nhật 10%, Thuỵ Điển 7%, Canada 4%...
Bà Mai cho rằng, nếu áp dụng riêng cho TP.HCM sẽ ảnh hưởng đến sự công bằng trong áp dụng và thực thi chính sách, tạo sự khác biệt giữa những người nộp thuế.
ĐB Vũ Thị Lưu Mai. Ảnh: Minh Đạt |
“Thí điểm phải có khác biệt nhưng ảnh hưởng đến tâm lý người dân thì cần thận trọng. Nếu áp dụng thuế tài sản sẽ ảnh hưởng đến kinh doanh bất động sản, thị trường chứng khoán và chỉ số cạnh tranh, hấp dẫn”, bà Mai lo lắng.
Theo ĐB, các nước chỉ áp dụng thuế này khi có cơ sở dữ liệu hiện đại, chính xác về bất động sản, cập nhật biến động thường xuyên. Bên cạnh đó, nhà nước phải có hệ thống đo đạc hồ sơ địa chính chuẩn xác, có bộ máy đủ mạnh để thực hiện định giá tài sản đảm bảo quyền lợi hài hoà giữa nhà nước, người nộp thuế và có hệ thống chứng minh tài sản tránh lách luật, trốn thuế.
"Nhưng hiện nay khái niệm nộp thuế tài sản người dân còn đang chưa hiểu rõ", bà Mai nói.
Liên quan đến thuế tài sản, giải trình trước QH, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, để thí điểm được cần sự đồng thuận, sau khi tổng kết hiệu quả mới tính đến nhân rộng.
Đề xuất TP.HCM được quyết thu nhập tăng thêm cho công chức
Chính phủ đề xuất cho HĐND TP.HCM được quyết định mức thu nhập bình quân tăng thêm cho công chức, mức lương phù hợp với chuyên gia
ĐB Quốc hội đề xuất TP.HCM, Hà Nội thí điểm làm việc tại nhà
ĐB Ngọ Duy Hiểu đề xuất TP.HCM thí điểm làm việc tại nhà với một số ngành đặc thù, sau đó Hà Nội có thể học theo sẽ tiết kiệm nhiều chi phí.
Chủ tịch QH: Đầu tư cho người biết làm ăn để cùng giàu
Đầu tư vào người biết làm ăn, có khả năng làm giàu để kéo người nghèo đi lên; còn nguồn lực chia nhỏ ra thì tất cả cùng nghèo.
Thúy Hạnh