Ngày 17/5, tại buổi giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đối với UBND TP về thực hiện Nghị quyết 54/2017 và tình hình kinh tế xã hội 4 tháng đầu năm, bà Phạm Khánh Phong Lan đã đề cập đến một số vấn đề nóng của ngành y tế.
Trong đó, nổi bật là việc Bảo hiểm xã hội Việt Nam có văn bản dừng thanh toán chi phí Bảo hiểm y tế (BHYT) đối với máy đặt, máy mượn (dựa trên công văn 2348 ngày 9/5 của Bộ Y tế).
Theo Đại biểu Quốc hội TP.HCM, kinh phí nhà nước không thể đủ để trang bị cùng một lúc tất cả máy móc cho các bệnh viện. Hiện nay, có bệnh viện 80% là máy đặt, máy mượn của các công ty trúng thầu. Khi Bảo hiểm xã hội ngừng thanh toán BHYT với các chi phí kỹ thuật trên máy đặt, máy mượn sẽ dẫn đến việc bệnh viện ngưng hoạt động. Khi đó, bệnh nhân chịu hậu quả lớn nhất.
Tình huống thứ hai xảy ra, các bệnh viện vẫn thực hiện các xét nghiệm, kỹ thuật trên máy đặt máy mượn nhưng bệnh nhân phải “móc” tiền túi trả. Khi đó, BHYT không còn ý nghĩa với người tham gia.
“Nếu tiêu cực xảy ra trong đó, ai sai thì xử, không phải vì quản không được nên chúng ta cấm”, bà Phong Lan nói về văn bản ngừng chi trả BHYT cho kỹ thuật trên máy đặt máy mượn.
Liên quan đến đấu thầu thuốc, bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết từng lo lắng vì đấu thầu thuốc thiên về thuốc nào rẻ sẽ trúng thầu, năm sau rẻ hơn năm trước. “Một khi thuốc rẻ thì không thể đi cùng chất lượng, vô tình chúng ta tước đi quyền lợi của bệnh nhân BHYT. BHYT khi đó chỉ là tham gia cho có”.
Bà Lan nói thêm, mỗi năm, các bệnh viện tại TP.HCM đón hàng chục triệu lượt bệnh nhân, trong đó rất đông người từ tỉnh thành khác. Lý do là ngành y tế TP có uy tín từ nhân lực, tay nghề, máy móc kỹ thuật hiện đại, thuốc men tốt.
“Nhưng liệu rằng chúng ta có say sưa quá khi phát hiện, xử lý kịp thời, chớp nhoáng các vụ vi phạm (trong lĩnh vực y tế) nhưng cũng ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý. Khoảng 1-2 năm gần đây, các bệnh viện ngưng trệ, đóng băng hoàn toàn trong mua sắm máy móc, thiết bị y tế”, bà Lan bày tỏ.
Trước đó, Bộ Y tế ban hành công văn số 2348/BYT-KH-TC đã gây nhiều lo lắng, bởi Bảo hiểm xã hội Việt Nam căn xứ trên công văn đó, yêu cầu dừng thanh toán BHYT đối với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy đặt, máy mượn, từ ngày 9/5.
“Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng và quyền lợi của bệnh nhân Bảo hiểm y tế”, một bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế chia sẻ. UBND TP.HCM nhận định, việc dừng thanh toán BHYT sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng điều trị, sức khỏe người bệnh và lộ trình BHYT toàn dân.
Dù sau đó, Bộ Y tế khẳng định không có chuyện bỏ thanh toán BHYT với các trường hợp trên, nhưng vẫn khiến dư luận, bệnh viện và người bệnh bức xúc vì thiếu rõ ràng.
Ngày 16/5, Bộ Y tế đã làm việc với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thống nhất sẽ có văn bản, tiếp tục cho phép thanh toán BHYT với máy đặt, máy mượn cho đến khi hết hợp đồng giữa hai bên.
Tuy nhiên đến hôm nay vẫn chưa có văn bản chính thức.
Về vấn đề đấu thầu thuốc, tháng 4 vừa qua, Bệnh viện Chợ Rẫy xảy ra tình trạng hết thuốc chống thải ghép thuộc diện BHYT chi trả. Tình trạng này khiến bệnh nhân ghép thận phải bỏ số tiền lớn để mua thuốc bên ngoài. Nguyên nhân được cho là do chậm đàm phán giá trong đấu thầu thuốc quốc gia.
Bệnh viện Chợ Rẫy sau đó đã khắc phục và tìm được nguồn cung ứng thuốc cho bệnh nhân ghép thận có BHYT.
Linh Giao