Tổng sản phẩm trong nước (GDP) và tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP) là các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng, là chỉ tiêu tổng hợp cơ bản của Hệ thống Tài khoản quốc gia, phản ánh kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, quy mô và tốc độ phát triển của toàn bộ nền kinh tế và từng địa phương, phản ánh chất lượng tăng trưởng của từng ngành, địa phương và cả nước.
Những chỉ tiêu kinh tế vĩ mô này giúp Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương có cơ sở xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đề ra các chính sách, giải pháp phát triển đất nước và từng địa phương.
Chỉ tiêu GDP và GRDP đã được triển khai biên soạn kể từ năm 1993 theo Quyết định số 183/TTg ngày 25/12/1992 của Thủ tướng Chính phủ thay cho Hệ thống bảng cân đối vật chất (MPS). Sau hơn 20 năm thực hiện, tuy đã tuân thủ tối đa các hướng dẫn của Hệ thống tài khoản quốc gia năm 1993 (SNA 1993) nhưng quy trình phân công và phân cấp biên soạn số liệu GDP, GRDP giữa trung ương và địa phương đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, đặc biệt là sự chênh lệch số liệu giữa Trung ương và địa phương có biểu hiện gia tăng.
Ảnh minh họa |
Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho biết, nhờ có sự phối hợp, quan tâm của các Bộ, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương cũng như sự cố gắng nỗ lực của những người làm công tác thống kê, sau 5 năm thực hiện Quyết định 715/Qđ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (2015-2020) đã đạt được những thành công nhất định. Quy mô GDP và GRDP đã được xem xét rà soát, đánh giá lại nhằm phản ánh đầy đủ hơn về phạm vi và kịp thời cập nhật những biến động kinh tế trên địa bàn tỉnh, thành phố trên cơ sở nguồn thông tin, công cụ biên soạn ngày càng được hoàn thiện hơn.
Bên cạnh đó, năng lực, trình độ lý luận và kinh nghiệm thực tiễn của đội ngũ công chức thống kê tiếp tục được nâng cao; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thống kê được chú trọng phát triển; đặc biệt việc triển khai tính toán GRDP cho các tỉnh thành phố tập trung tại Tổng cục Thống kê định kỳ 6 tháng và năm đã góp phần nâng cao chất lượng số liệu thống kê hiện nay: Chênh lệch số liệu GDP và GRDP đã dần được kiểm soát và xử lý, khoảng cách chênh lệch ngày càng thu hẹp; số liệu GRDP đã phản ánh đầy đủ hơn, chính xác hơn thực trạng và xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và nhận được sự đồng thuận cao của các cấp lãnh đạo trung ương và địa phương, của người dùng tin.
Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh, chuyển đổi quy trình biên soạn số liệu Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương từ mô hình phân tán sang mô hình tập trung là công việc lớn của toàn Ngành Thống kê nói riêng và Ngành Kế hoạch Đầu tư và Thống kê nói chung. Đây không chỉ là đổi mới về tổ chức hoạt động thống kê; nâng cao mức độ chuyên môn hóa công tác thống kê; nâng cao chất lượng số liệu thống kê mà còn là cầu nối tăng cường tính liên kết, phối hợp giữa các cơ quan hành chính nhà nước ở trung ương và địa phương với nhau nhằm hướng tới mục tiêu một nền hành chính điện tử, liên thông và kết nối mạnh mẽ, là nền tảng cho một Chính phủ điện tử, Chính phủ số trong tương lai.
Đề án 715 đã hoàn thành tốt các yêu cầu, nội dung và mục tiêu đề ra khi đưa ra được một quy trình biên soạn đồng bộ, khả thi, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và cập nhật những lý thuyết mới của quốc tế; xây dựng lộ trình biên soạn và công bố thống nhất; chuẩn hóa đồng bộ hệ thống thông tin thống kê… khi được quan sát dưới nhiều góc độ khác nhau. Số liệu GDP và GRDP cộng dồn từ 63 tỉnh, thành phố đã dần tiến sát gần nhau, có thể lý giải bổ sung cho nhau; không còn tình trạng “trăm hoa đua nở”, tùy tiện tính toán ở các địa phương khiến số liệu GDP và GRDP ngày càng cách xa nhau như trước đây.
Xác định trong thời gian tới, nhiệm vụ mới, thách thức mới sẽ tiếp tục là áp lực lớn đối với toàn Ngành Thống kê, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho biết, Tổng cục Thống kê sẽ nỗ lực, phát huy thế mạnh riêng để tiếp tục gặt hái những thành công trong công tác thống kê khi thực hiện nhiệm vụ mới này.
Hoàng Giang