Yêu nhau qua những lá thư tay

Thời còn trên ghế nhà trường, mỗi cuối năm, bà Chu Thị Lợi (75 tuổi, TP.HCM) thường được thầy cô chủ nhiệm cho phụ trách làm báo tường. Năm 1965, sau khi hoàn tất tờ báo, thầy giáo yêu cầu bà và các bạn đem bán để có tiền tổ chức tất niên.

Trong lần bán báo ấy, bà vô tình gặp chàng thanh niên Đặng Đa Ấp. Lúc đó, giữa hàng chục cô gái trẻ, ông Ấp chỉ để ý, có cảm tình với bà Lợi.

Ông đến mua báo nhưng chưa vội trả tiền để có cơ hội đi theo, tiếp cận người con gái mình thích. Đến cuối ngày, khi hoạt động bán báo tường của bà Lợi sắp kết thúc, ông mới đến gặp bà để trả tiền.

tinh tram nam 1.png
Ông Ấp và vợ tại chương trình Tình trăm năm

Vừa trả tiền tờ báo, ông vừa hỏi tên cô gái rồi gửi tặng bà bài thơ tình. Lời thơ da diết khiến tâm hồn cô nữ sinh xao động. Thế nhưng, phải hơn 1 năm sau lần gặp đầu tiên, bà mới gửi thư trả lời chàng thanh niên điển trai.

Thế rồi, ông Ấp được điều chuyển về tỉnh Cà Mau làm việc, cả hai chỉ có thể liên hệ với nhau qua những lá thư tay. Từ đó, ông bà viết thư cho nhau mỗi tuần. Khi tình cảm lớn dần, tranh thủ lần nghỉ phép, ông Ấp đến thăm người yêu trong sự “giám sát” của bố mẹ 2 bên.

Tại chương tình Tình trăm năm tập 180, ông Ấp (80 tuổi) kể: “Lúc đó, bố mẹ nghiêm lắm. Chúng tôi chỉ được phép đi chơi vào ban ngày. Nhưng khi đi, bà ấy phải dẫn theo cậu em, còn tôi dẫn theo người bạn”.

Khi đến nhà chơi, mẹ vợ tôi lúc đó yêu cầu cả hai chỉ được nói chuyện trong một khoảng thời gian nhất định. Hết giờ, tôi phải ra về.

Có lần, thấy nhanh hết giờ quá, đợi bà cụ đi ngủ, tôi lén vặn kim đồng hồ trở lại để nói chuyện với vợ tôi bây giờ lâu hơn”.

Sau 2 năm yêu nhau qua thư từ, nhân lúc được nghỉ Tết, ông Ấp cùng gia đình đến nhà bà Lợi bàn chuyện cưới xin. Thế nhưng mẹ bà Lợi không bằng lòng cho con gái cưới anh thanh niên luôn phải sống xa gia đình.

tinh tram nam 2.png
Thời trẻ, ông Ấp và bà Lợi được nhận định là đôi trai tài gái sắc

Thương con gái sinh ra trong gia đình khá giả, quen sống sung sướng, bố mẹ bà không muốn gả con về làm dâu tận đất mũi Cà Mau. Dẫu vậy, bà Lợi vẫn kiên quyết đi theo tiếng gọi của trái tim, bằng lòng theo ông Ấp về nơi “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh”.

Không thay đổi được tình cảm của con gái, bố mẹ bà Lợi đồng ý tổ chức đám cưới cho bà và ông Ấp. Nhà có điều kiện, bà Lợi được bố mẹ tổ chức đám cưới xa hoa. Không chỉ có thiệp cưới, thông tin ông bà kết hôn được đăng trên báo.

Cả hai được tổ chức đám cưới tại nhà hàng Á Đông, một trong những nhà hàng nổi tiếng bậc nhất Sài Gòn thời bấy giờ. Bà Lợi cũng được chú rể rước về bằng đoàn xe gồm 10 chiếc Mercedes bóng loáng.

Đi qua gian khó

Là con gái thứ 2 của gia đình giàu có, khi về nhà chồng, bà Lợi được bố mẹ cho rất nhiều tiền, vàng cưới. Số tiền, vàng ấy nhiều đến nỗi đủ để đôi vợ chồng trẻ tiêu dùng mà không cần phải làm gì cho đến khi mang thai.

Bà Lợi kể: “Về Cà Mau, chúng tôi không ở chung nhà bố mẹ chồng mà thuê một căn nhà lớn để ở. Mẹ cho nhiều tiền, vòng vàng nên chúng tôi ung dung tiêu xài. Ban ngày ông ấy đi làm. Tối đến vợ chồng tôi đi ăn uống, nghe nhạc… rất thoải mái”.

Sự xuất hiện của cô tiểu thư Sài Gòn ăn mặc thời trang, hệt như minh tinh màn bạc cũng khiến xứ miệt vườn xôn xao. Lúc bà Lợi mới về làm dâu, già trẻ, gái trai đều đổ ra đường ngắm nhìn với vẻ kinh ngạc.

Chứng kiến cảnh sống nhung lụa của bà Lợi, bạn bè ông Ấp nói rằng, tại Cà Mau lúc bấy giờ, bà chỉ thua mỗi vợ ông tỉnh trưởng. Khi có thai, bà Lợi thông báo cho mẹ biết và được bà gọi về Sài Gòn dưỡng thai.

tinh tram nam 3.png
Thiệp cưới của ông bà năm 1967

Gia đình bà đã mua vé máy bay, chuẩn bị cho bà đến phi trường Quản Long rời Cà Mau về lại Sài Gòn. Thế nhưng, ông Ấp không đồng ý. Ông cho rằng còn lâu bà mới sinh nên giữ vợ ở lại. Cả hai tiếp tục tiêu pha cho đến khi hết tiền, vàng cưới.

Biết tin, mẹ bà Lợi tiếp tục gửi tiền xuống Cà Mau cho bà mua vé về Sài Gòn sinh nở. Khi con đầu lòng cứng cáp, bà Lợi rời nhà mẹ đẻ về lại Cà Mau. Lúc này, ông bà đã tiêu hết tiền mừng cưới, của hồi môn.

Lương tháng của ông Ấp vốn đã ít nay lại càng không đủ để nuôi con nhỏ. Để tiết kiệm, từ chỗ thuê nhà lớn, ông bà dạt ra vùng ven, thuê căn nhà lá sống tạm. Hằng ngày, sau giờ làm, ông Ấp phải ra sông câu cá về mới có cái cho vợ con ăn.

Trong thời gian này, ông bà tiếp tục có với nhau thêm 3 người con. Cuộc sống tận cùng khó khăn, ông bà trở lại TP.HCM. Tại đây, ông bà sống tạm tại nhà mẹ bà Lợi.

tinh tram nam 4.png
Hiện, ông bà sống hạnh phúc, vui vầy cùng 10 người con và các cháu 

Để mưu sinh, ngày ngày ông Ấp thức từ 3h sáng để đạp xe từ TP.HCM xuống tận sông Buông (TP Biên Hòa, Đồng Nai) chở về 300kg than đước để bán. Ở nhà, bà Lợi vừa chăm con vừa làm vườn, chăn nuôi.

Được bố mẹ chia nhiều đất sản xuất, ông bà nuôi heo, bò sữa, dê. Đàn vật nuôi phát triển mạnh, kinh tế ông bà ổn định, dần khá giả.

Hiện, ông bà sống vui vầy, hạnh phúc cùng 10 người con hiếu thảo và các cháu trong khuôn viên 7.000m2 đất của gia đình. Dù đã có tuổi, hàng ngày, bà Lợi vẫn giữ thói quen cũng là niềm vui của mình là thức dậy thật sớm để chuẩn bị cơm cho cả gia đình.

Cuối chương trình, từ kinh nghiệm bản thân, bà Lợi gửi đến giới trẻ lời nhắn nhủ hãy yêu thương nhau. Bà khẳng định, không có gì mạnh mẽ, quý giá bằng tình yêu thương.  

“Khi có tình yêu thương chúng ta sẽ vượt qua được tất cả. Đặc biệt, khi đã lập gia đình, nếu có tình yêu thì dù khó khăn đến thế nào chúng ta cũng sẽ vượt qua, có được hạnh phúc”, bà tâm sự.