Quyết tâm suốt chặng đường gần 80 năm qua
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1453/QĐ-TTg phân công Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành làm Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia Chương trình hành động “Không còn nạn đói” ở Việt Nam, giai đoạn 2016-2025.
Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách, các chương trình, dự án về xóa đói, giảm nghèo và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Cam kết tham gia và thực hiện nghiêm túc, triển khai có hiệu quả Chương trình hành động Quốc gia "Không còn nạn đói", ngày 12/6/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 804/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia Chương trình hành động "Không còn nạn đói" ở Việt Nam, giai đoạn 2016-2025.
Suốt chặng đường gần 80 năm qua, Việt Nam Xóa quyết tâm xóa đói, giảm nghèo, đặc biệt là trong 36 năm đất nước thực hiện đổi mới.
Đảng và Nhà nước đã thực hiện đồng bộ hàng loạt chủ trương, chiến lược về xóa đói, giảm nghèo để cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo; thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các địa phương, giữa miền núi với miền xuôi.
Cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội của địa bàn nghèo, nhất là khu vực nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc được sự đầu tư từ Trung ương xuống địa phương đã có những thay đổi rõ rệt. Thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo được cải thiện, từng bước tiệm cận chuẩn mức sống tối thiểu.
Quyết tâm giảm nghèo đó đã được hiện thực thành những con số “biết nói”. Nếu năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo cả nước là 58,1%, đến năm 2020 chỉ còn 2,75%. Việt Nam đã hoàn thành sớm mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về xóa đói, giảm nghèo, được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo trên thế giới.
"Việt Nam là nước đi đầu trong khu vực về xóa đói, giảm nghèo"
Đánh giá về những nỗ lực xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam, UNDP tại Việt Nam cho rằng, quốc tế nhìn nhận rất tích cực những thành quả Việt Nam đạt được trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo trong vài thập kỷ vừa qua. Như nhận định của ông Johnathan Pincus, Chuyên gia kinh tế cao cấp UNDP tại Việt Nam: "Việt Nam vẫn là nước đi đầu trong khu vực về xóa đói, giảm nghèo."
Quyết tâm chính trị giảm nghèo càng mạnh mẽ hơn nữa khi đầu năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Chương trình thực hiện chiến lược tập trung đầu tư vào con người, trực tiếp là đầu tư, nâng cao năng lực người nghèo; xác định rõ nguyên nhân nghèo để giải quyết căn cơ, triệt để những vấn đề của người nghèo, vùng lõi nghèo.
Đặc biệt, để thực hiện thắng lợi mục tiêu tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5%/năm mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra; phấn đấu đến năm 2030, cơ bản không còn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, mới đây, Ban Bí thư đã có Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030.
Trong chỉ thị, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể tập trung quán triệt, thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, xác định giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước, là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Sáng kiến "Không còn nạn đói" được Tổng Thư ký Liên hợp quốc đưa ra tại Hội nghị Phát triển bền vững Rio+20 ở Brazil vào tháng 6/2012 liên quan đến việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững Thiên niên kỷ 2 (MDG 2) về đảm bảo an ninh lương thực và xóa đói giảm nghèo nhằm bảo đảm phát triển bền vững hệ thống sản xuất, tăng năng suất sản xuất và thu nhập của các hộ nông dân nhỏ, dân cư có đủ lương thực, không còn trẻ em dưới 2 tuổi suy dinh dưỡng, không có thất thoát, lãng phí lương thực, thực phẩm. |
Như Sỹ, Ngân Phương, Hoài Bắc, Hữu Duyên