Sáng 7/12, HĐND tỉnh Ninh Bình khóa XV khai mạc trọng thể kỳ họp thứ mười.
Báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 cho hay: Xác định năm 2022 có ý nghĩa quan trọng, là năm hành động và quyết tâm tạo bước đột phá thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 trong trạng thái bình thường mới; bám sát sự lãnh đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, thường xuyên, trực tiếp là Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự đồng hành của HĐND tỉnh, cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của toàn thể Nhân dân; UBND tỉnh đã tập trung, chủ động, linh hoạt trong điều hành thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; qua đó, đã thực hiện thành công "mục tiêu kép" vừa kiểm soát thành công dịch COVID-19, vừa đạt được những kết quả tích cực và toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội:
Tăng trưởng GRDP đạt 8,62%
Kinh tế tiếp tục phục hồi trong trạng thái bình thường mới, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8,62%; nông nghiệp được mùa; phong trào xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực, vượt kế hoạch đề ra; dịch vụ phục hồi và phát triển mạnh mẽ, nhất là lĩnh vực du lịch đã có bước phát triển đột phá cả về chất lượng và số lượng.
Tổng sản phẩm xã hội (GRDP) trên địa bàn tỉnh (theo giá SS 2010) năm 2022 tăng 8,62% so với năm 2021, vượt cao so kế hoạch đề ra. Trong đó, khu vực nông - lâm - thủy tăng 3,04%, cao nhất từ trước đến nay; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 5,67%, riêng công nghiệp tăng 5,96%; khu vực dịch vụ tăng mạnh mẽ, đạt 15,45%; thuế nhập khẩu, sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,99%.
Quy mô nền kinh tế đạt 81.775 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt 81 triệu đồng, tăng 9,1 triệu đồng so với năm 2021. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ với tỷ trọng dịch vụ là 44,2%; công nghiệp - xây dựng là 45,2%; nông, lâm, thủy sản là 10,6%.
Thời gian qua, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục đầu tư, nhất là các công trình dự án trọng tâm, quan trọng, có tính chất chiến lược. Đã khởi công và triển khai thi công đảm bảo tiến độ xây dựng đường Đông - Tây giai đoạn 1 (dự kiến cơ bản hoàn thành và thông xe vào cuối năm 2023, vượt tiến độ 1 năm), tuyến đường T21, đường ĐT.482, đường QL21B từ cầu Tu đến cầu Cọ… thông xe, khánh thành đường cao tốc đoạn Cao Bồ - Mai Sơn; khánh thành Âu Kim Đài; khởi công và thi công cơ bản hoàn thành cải tạo, nâng cấp đường ĐT.477, đoạn từ ngã ba Gián Khẩu đến hết phạm vi Khu 50 ha mở rộng KCN Gián Khẩu, rút ngắn thời gian thi công khoảng 50%.
Đặc biệt, đã tháo gỡ vướng mắc, tồn tại nhiều năm của một số dự án, như: Hoàn thành thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự án thành phần Xây dựng cơ sở hạ tầng Khu công viên văn hóa Tràng An để tiếp tục thực hiện GPMB thôn Ích Duệ; điều chỉnh dự án và bảo vệ thi công xây dựng Trung tâm liên hợp du lịch và thể thao sân Golf hồ Yên Thắng.
Nông nghiệp phát triển toàn diện cả 3 khu vực: trồng trọt, chăn nuôi và thủy, hải sản; khẳng định hướng đi đúng đắn của tỉnh đó là phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa ứng dụng công nghệ cao, hình thức tiên tiến, bền vững. Thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp góp phần tăng cao giá trị sản xuất. Giá trị sản xuất/1 ha đất canh tác đạt 150 triệu đồng, vượt 1,35% kế hoạch.
Công tác xây dựng nông thôn mới được đẩy nhanh, đạt kết quả tích cực; đến tháng 6/2022 100% số xã đã đạt chuẩn NTM; trong đó có 17 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 11 xã NTM mới kiểu mẫu; 281 thôn NTM kiểu mẫu; có 7/8 huyện, thành phố đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; huyện Kim Sơn cơ bản đã hoàn thiện các tiêu chí để xét công nhận đạt chuẩn NTM trong năm 2023.
Cũng trong năm nay, các lĩnh vực dịch vụ của tỉnh Ninh Bình phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Tổng giá trị sản xuất ngành dịch vụ tăng 17,95% so với năm 2021, trong đó:
Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 71,6%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 6,6% và vượt 12,5% kế hoạch năm; thị trường xuất khẩu mở rộng. Tổng kim ngạch nhập khẩu tăng 2,0%; Hoạt động vận tải phục hồi tích cực ở tất cả các lĩnh vực. Vận tải hành khách tăng gần 70%; vận tải hàng hóa tăng trên 43%; doanh thu tăng trên 47%.
Đặc biệt, du lịch đã thực hiện thành công Kế hoạch phục hồi và phát triển du lịch, tạo chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng, có nhiều sản phẩm mới phục vụ du lịch, nhất là số phòng khách sạn 4, 5 sao đưa vào hoạt động và nhiều hoạt động du lịch được tổ chức, lượng khách đến với Ninh Bình đạt gần 3,7 triệu lượt, gấp 3,6 lần so với năm 2021, vượt 47,6% kế hoạch năm; doanh thu tăng gấp 3,7 lần; doanh thu trung bình trên 01 lượt khách gấp hơn 2 lần so với năm 2019. Công tác quản lý, kiểm tra các hoạt động dịch vụ du lịch được tăng cường, đảm bảo môi trường du lịch văn minh, an toàn, thân thiện.
"Kỷ cương, trách nhiệm, đẩy mạnh cải cách hành chính"
Báo cáo tổng kết của tỉnh Ninh Bình cũng cho thấy, trong năm 2022, công tác cải cách hành chính được tập trung chỉ đạo gắn với thực hiện nghiêm chủ đề công tác năm 2022 là "Kỷ cương, trách nhiệm, đẩy mạnh cải cách hành chính"; chỉ số cải cách hành chính (PAR-Index) tỉnh Ninh Bình năm 2021 xếp thứ 20/63 tỉnh, thành phố.
Công tác chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh có nhiều đổi mới, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền tỉnh được nâng lên; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2021 xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố, tăng 18 bậc so với năm 2020; chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) xếp thứ 12/63. Tuy nhiên chỉ số PCI của tỉnh năm 2021 tiếp tục xếp thứ 58/63, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị đánh giá thực trạng và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện trong năm 2022 và các năm tiếp theo.
Tỉnh không ngừng đẩy mạnh việc giải quyết TTHC trên môi trường điện tử; cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến có đủ điều kiện ở mức độ 4 và tích hợp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 đáp ứng yêu cầu. Duy trì hiệu quả và nâng cao vai trò Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận một cửa các cấp. Triển khai các ứng dụng, hệ thống thông tin trọng yếu, vận hành hoạt động hệ thống giám sát, điều hành thông minh (IOC) của tỉnh. Năm 2021, tỉnh Ninh Bình xếp thứ 6 toàn quốc về chuyển đổi số.
Gia Viễn