Người dùng Internet không ít thì nhiều sẽ bị lộ thông tin cá nhân. Nó có thể xảy ra với bất kỳ ai, bất kỳ nơi nào. Vậy, làm sao để xóa mọi dấu vết của bản thân trên Internet nhằm ngăn chặn các công ty thu thập thông tin?
Câu trả lời rất ngắn gọn: không thể nào. Bạn không thể tự xóa dữ liệu cá nhân hoàn toàn khỏi Internet, nhưng có nhiều cách để hạn chế việc để lại dấu vết trực tuyến, đồng nghĩa giảm nguy cơ lộ dữ liệu cá nhân.
1. Xóa tài khoản mua sắm, mạng xã hội và dịch vụ web
Bạn hãy liệt kê những mạng xã hội, diễn đàn từng tham gia, hay các trang web có chứa hồ sơ cá nhân của mình. Ngoài các ông lớn như Facebook, Twitter, Linkedln, Instagram, thử nhớ xem mình có tài khoản các trang web như Tumblr, Google+, Reddit hay không? Đừng quên những trang mua sắm như Amazon, Gap.Com, Macys.com nắm giữ nhiều thông tin quan trọng.
Xóa các tài khoản mạng xã hội là bước cần thiết nếu muốn “ẩn mình” trên Internet. Ảnh: WPTV. |
Với mỗi tài khoản, bạn nhớ đăng nhập rồi tìm đến mục xóa tài khoản. Nếu vì lý do nào đó tác vụ này không thể thực hiện, người dùng nên thay đổi thông tin gốc.
2. Xóa mọi thứ khỏi các trang web thu thập dữ liệu
Trên mạng, có nhiều công ty chuyên thu thập thông tin người dùng. Họ được gọi là những dân buôn dữ liệu, ví dụ như Spokeo, Whitepages.com, PeopleFinder… Các công ty này có công cụ để thu thập mọi thứ người dùng làm trên môi trường trực tuyến, sau đó bán lại cho bên thứ ba, chủ yếu phục vụ cho quảng cáo hướng đối tượng.
Bạn có thể tìm kiếm tên mình trên các trang web này rồi yêu cầu gỡ bỏ thông tin. Đôi lúc, họ sẽ gây khó dễ bằng những thủ tục “trời ơi đất hỡi”. Nếu vậy, bạn nên thử qua các dịch vụ chuyên nghiệp bên thứ ba như DeleteMe của Abine.com hoặc công cụ miễn phí Deseat.me. Mọi thứ sẽ được dọn dẹp sạch sẽ và đảm bảo không lặp lại trong các tháng tiếp theo.
3. Xóa thông tin trực tiếp từ website cụ thể
Đầu tiên, người dùng thử tìm kiếm trên mạng với số điện thoại cá nhân, email và họ tên để xem thông tin của mình có được lưu trữ ở đâu không. Tìm các bài đăng trên diễn đàn hoặc blog từng tham gia, rồi liên hệ với quản trị viên nhờ gỡ bài.
Thông tin của chủ trang web có thể ở phần “Giới thiệu” và “Liên lạc”. Bạn có thể kiểm tra chủ website với công cụ Whois.com, hay liên hệ với đơn vị cung cấp tên miền. Khi gửi yêu cầu, bạn cần sử dụng lời lẽ lịch sự và nêu rõ lý do muốn gỡ bài.
4. Sử dụng chính sách riêng tư để gửi yêu cầu tới Google
Với các bài viết chứa thông tin cá nhân như số tài khoản ngân hàng, chứng minh nhân dân… mà chủ trang web không chịu hợp tác, bạn có thể gửi yêu cầu pháp lý tới Google để nhờ xóa URL.
Bạn có thể tận dụng các quyền hợp pháp của Google để xóa thông tin cá nhân khỏi một trang web “cứng đầu”. Ảnh: Cnet. |
Quá trình gỡ bỏ có thể mất nhiều thời gian và chưa dám chắc sẽ thành công, nhưng đó cũng là công cụ hữu ích trong tình huống cấp bách.
5. Xóa bản lưu trong bộ nhớ cache các công cụ tìm kiếm
Dù bài viết đã bị gỡ bỏ, mọi người vẫn có thể tìm kiếm chúng trên kết quả hiển thị của Google. Đó là vì phiên bản cũ trang web được lưu trong bộ nhớ cache của máy chủ tìm kiếm.
Sử dụng công cụ Google Search Console để xóa URL khỏi bộ nhớ cache Google. Ảnh: Cnet. |
Bạn nên nhờ quản trị website sử dụng tính năng “Xóa URL” trong công cụ Google Search Console để xóa chỉ mục bài viết đó.
6. Bước cuối cùng là xóa tài khoản email
Hòm thư điện tử của bạn là thứ mà các nhà quảng cáo rất thèm muốn, vì thế bước cuối cùng trong nỗ lực xóa dấu vết trên Internet là hủy bỏ hoàn toàn email. Tùy từng dịch vụ, các bước xóa tài khoản sẽ khác nhau. Bạn có thể đăng nhập email và chịu khó tìm xem mục “Delete” nằm ở đâu.
Lưu ý, quá trình gỡ bỏ thông tin cá nhân khỏi Internet có thể cần tới email, vì thế bạn phải chắn chắn đây là bước cuối cùng. Người dùng cũng đừng mong hoàn thành công việc này trong ngày một ngày hai và phải chấp nhận sự thật rằng, một số thứ không thể xóa vĩnh viễn.