Cho rằng việc áp thuế sẽ làm ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp game trong nước với doanh nghiệp nước ngoài, Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội đã đề nghị chưa bổ sung mặt hàng game online vào đối tượng chịu thuế Tiêu thụ đặc biệt.
Đề nghị này đã được thể hiện trong dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật thuế Tiêu thụ Đặc biệt (TTĐB) mà Chính phủ trình lên Quốc hội ngày 20/10, khi trong phần nội dung sửa đổi, bổ sung đã không đề cập đến việc áp thuế TTĐB đối với game online.
Trước đó, trong phiên họp hôm 24/9, Chủ nhiệm Ủy ban, ông Phùng Quốc Hiển cho biết có nhiều ý kiến đề nghị bổ sung game online vào danh mục đối tượng phải chịu thuế TTĐB, bên cạnh những sản phẩm như rượu, thuốc lá... Tuy nhiên, quan điểm mới nhất của Ủy ban là việc áp thuế sẽ ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài, trong khi các sản phẩm game online trong nước cũng chưa phát triển và thay thế được nguồn game nước ngoài.
Thời điểm chưa phù hợp
Cuối tuần trước, chia sẻ với VietNamNet, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã nhấn mạnh rằng, quan điểm của Bộ là việc đánh thuế TTĐB với game online lúc này là "chưa phù hợp". Lý giải cho quan điểm này, Thứ trưởng cho rằng bản chất game online là xuyên biên giới, nên nếu áp thuế TTĐB với game trong nước thì "vô hình chung, nhà nước đã bảo hộ cho Doanh nghiệp nước ngoài" và người chơi sẽ là đối tượng chịu thiệt thòi nhất. Đồng thời, việc kiểm soát trò chơi bạo lực nước ngoài vẫn rất khó khăn, nhất là các game nhập lậu.
"Mỗi năm, doanh thu ngành game của Việt Nam vào khoảng 8000 tỷ đồng. Nếu áp thuế TTĐB 10% thì chúng ta chỉ thu được tối đa 800 tỷ đồng/năm. Thế nhưng thuế VAT sẽ sụt giảm từ 600 đến trên 1000 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với nguồn thu chung của Nhà nước không những không tăng mà còn sụt giảm", Thứ trưởng phân tích.
Một điều có thể nhận thấy rõ là nếu áp thuế TTĐB cho game online, thì việc các DN game nội có quy mô lớn bị giảm doanh thu, lợi nhuận, khâu sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề là nhỡn tiền. Còn các doanh nghiệp game nhỏ thì "khó càng chồng khó" khi mà cạnh tranh với game lậu chưa xong đã phải gồng mình chịu thêm khoản thuế mới. Nguy cơ nhiều doanh nghiệp tìm cách "lách luật" để tồn tại, chẳng hạn như chuyển pháp nhân ra nước ngoài để tiếp tục kinh doanh game online là hiện hữu.
Bên cạnh đó, việc áp thuế TTĐB cũng sẽ đi lệch với định hướng khuyến khích và những chính sách ưu tiên dành cho Công nghiệp nội dung số Việt Nam, như đã được xác định trong Nghị định hướng dẫn Luật Công nghệ thông tin và Quyết định phê duyệt Chương trình phát triển Công nghiệp Nội dung số Việt Nam.
"Thay vì áp dụng bổ sung thuế TTĐB cho ngành game nội, thì Bộ Tài chính và Cơ quan Thuế nên khuyến khích Doanh nghiệp trong nước, cũng như cần nghiên cứu, xem xét để có cơ chế thu thuế từ hoạt động kinh doanh game online của các nhà cung cấp nước ngoài, game nước ngoài, đảm bảo sự công bằng, bình đẳng với các nhà sản xuất và phát hành game trong nước", đại diện một doanh nghiệp game nội kiến nghị.
Nguy cơ bảo hộ ngược
Thuế TTĐB có thể áp dụng cho các sản phẩm hữu hình và chịu sự kiểm soát qua đường biên giới, hải quan trong nước như thuốc lá, rượu… Việc áp dụng này đã có những thành công nhất định trong việc định hướng/ điều tiết tiêu dùng tại Việt Nam vì khi áp thuế sẽ hạn chế được việc thuốc lá nhập lậu, rượu nhập lậu tràn vào trong nước.
Tuy nhiên, game online là một loại hình sản phẩm có đặc thù rất khác, được cung cấp xuyên biên giới và không kiểm soát được đầu vào, trừ các game online được doanh nghiệp Việt Nam nhập và cấp phép hợp pháp tại Việt Nam. Vì thế, việc áp thuế TTĐB với mục đích “định hướng tiêu dùng” sẽ không thực hiện được. Nhà nước sẽ không có công cụ để thu thuế đối với game của nước ngoài, do dòng tiền sẽ chảy trực tiếp về các Doanh nghiệp này thông qua kênh thẻ tín dụng. Điều này sẽ tạo ra sự thiếu công bằng giữa các doanh nghiệp game trong và ngoài nước.
Các DN game nội hợp pháp sẽ buộc phải đẩy phí sử dụng lên để đảm bảo đủ thuế nộp cho Nhà nước. Mức phí này hiển nhiên sẽ cao hơn nhiều so với game online cung cấp xuyên biên giới, chưa kể nội dung của game nước ngoài lại không chịu sự kiểm soát bởi các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam.
Trên thực tế, trong số hơn 120 game đang cung cấp tại Việt Nam thì chỉ có khoảng 60 game là có phép. Số còn lại đang được cung cấp lậu vào thị trường, và việc xử phạt của Bộ TT&TT thực sự là "không thuể xuể".
Về phần người chơi, phí cao cộng với sự kiểm soát nội dung của game trong nước có thể sẽ khiến họ bị hút về game nước ngoài, vốn có ưu thế rõ rệt về giá, thanh toán lại gọn nhẹ nhanh chóng, không bị kiểm soát nội dung bạo lực/kích dục... Vô hình chung, nhu cầu tiêu dùng game hợp pháp trong nước đã bị thu hẹp, khuyến khích người dùng chuyển sang chơi game lậu, game nước ngoài. Đây là những game mà cơ quan quản lý không được kiểm duyệt nội dung trước khi phát hành.
"Với đặc thù của game, muốn định hướng người chơi hướng tới các game lành mạnh thì không thể sử dụng công cụ quản lý nhà nước đối với game nước ngoài được. Cần phải dùng chính quy luật thị trường để quản lý, dùng chính các sản phẩm game nội hay, hấp dẫn, hợp pháp để thu hút người chơi. Do đó, không nên áp thuế TTĐB cho game nội hợp pháp mà ngược lại, Nhà nước còn cần có những chính sách hỗ trợ để game trong nước phát triển", một doanh nghiệp game kiến nghị.
Trọng Cầm