Báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế xã hội tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4 của Quốc hội sáng 20/10, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị quan tâm, đánh giá sâu, kỹ hơn một số vấn đề.

Làm rõ thực trạng cung cấp xăng dầu

Ủy Ban Kinh tế cho rằng, mặc dù Chính phủ đã quyết liệt triển khai song kết quả còn khiêm tốn. Tỷ lệ giải ngân các chính sách hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn khá thấp, tính đến ngày 28/9/2022 mới đạt 20% tổng số vốn của chương trình. 

Giải ngân gói đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, điều hòa vốn dành cho các dự án thuộc chương trình và kế hoạch đầu tư công trung hạn triển khai chậm. 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Phạm Thắng

Mục tiêu “phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5% - 1% trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên” khó thực hiện, lãi suất không giảm mà có xu hướng tăng.

Tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển tiếp tục chậm, vẫn là điểm nghẽn chưa được giải quyết hiệu quả. 14 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. “Điểm nghẽn đầu tư công tác động tiêu cực đến việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư”, ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cụ thể, hiệu quả hơn nữa để nhanh chóng giải quyết tình trạng này, khơi thông nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…

Liên quan đến điều hành giá xăng dầu gần đây, ông Thanh đề nghị làm rõ thực trạng cung cấp xăng dầu; phân tích nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan trong công tác điều hành giá xăng dầu để rút ra bài học kinh nghiệm và có giải pháp ứng phó kịp thời, phù hợp khi giá xăng dầu thế giới nhiều khả năng tiếp tục có những diễn biến bất lợi trong tương lai.

Ông Thanh cũng nhắc đến việc xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém, các dự án, doanh nghiệp kém hiệu quả, thua lỗ tiếp tục mới chỉ đạt kết quả bước đầu, chưa có chuyển biến thực chất trên thực tế.

Thêm vào đó, thị trường chứng khoán có nhiều biến động và tiềm ẩn rủi ro. Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp ngày càng được mở rộng nhưng có giai đoạn tăng nóng; cơ cấu thị trường còn thiếu cân đối; chất lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chưa cao. 

Cạnh đó là sử dụng vốn huy động qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sai mục đích, thiếu minh bạch. Các doanh nghiệp bất động sản có tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao, tình hình tài chính kém lành mạnh có thể gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản tín dụng hoặc nợ trái phiếu đến hạn.

Báo cáo thẩm tra dẫn chứng, vừa qua vụ việc xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan cùng với những vụ việc khác liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán xảy ra trong năm đã và đang gây ra nhiều hệ lụy đối với việc phát triển bền vững thị trường vốn, đối với xã hội, gây mất niềm tin của người dân và nhà đầu tư. 

Có ý kiến đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời đề nghị có đánh giá thận trọng, chính xác về mức độ ảnh hưởng để có giải pháp phù hợp, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững của thị trường tiền tệ, thị trường vốn. 

Thị trường bất động sản có dấu hiệu tăng nóng trong những tháng đầu năm 2022, có tình trạng “đẩy giá” gây sốt ảo bất động sản. Rủi ro tác động liên thông giữa thị trường bất động sản với thị trường vốn và hệ thống các tổ chức tín dụng gia tăng. 

Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị tiếp tục nhận diện những rủi ro, có các giải pháp cụ thể để vừa bảo đảm an toàn, vừa thúc đẩy sự phát triển của các thị trường, phục vụ tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Tiền lương, chế độ đãi ngộ đối với công chức, viên chức còn nhiều hạn chế

Việc giữ ổn định lãi suất và tỷ giá gặp khó khăn, hệ thống ngân hàng, ông Thanh cũng lưu ý, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về nợ xấu. Có ý kiến đề nghị đánh giá kỹ hơn tác động của việc neo tỷ giá đồng Việt Nam so với đồng USD trong một thời gian khá dài khi nhiều đồng tiền mất giá mạnh so với đồng USD, nhất là khả năng cạnh tranh xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam so với các nước khác…

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng tiền lương và chế độ đãi ngộ đối với công chức, viên chức còn nhiều hạn chế. Tình trạng viên chức trong ngành y tế thôi việc hoặc bỏ việc làm ảnh hưởng đến hoạt động chăm sóc y tế, khám chữa bệnh khu vực công và gây lo ngại cho dư luận xã hội ngay sau thời gian dài chống dịch Covid-19.

Ủy ban Kinh tế đề nghị có đánh giá kỹ lưỡng về nguyên nhân công chức, viên chức không chỉ của ngành giáo dục, y tế bỏ việc hoặc thôi việc để làm căn cứ đưa ra giải pháp phù hợp.

Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra cũng nhắc đến việc thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được khắc phục triệt để. Một số địa phương còn bị động trong nguồn tuyển giáo viên; đời sống của một bộ phận giáo viên còn gặp nhiều khó khăn; còn hiện tượng lạm thu một số quỹ phụ huynh học sinh đầu năm học tạo gánh nặng lớn đối với gia đình khó khăn. 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng đề cập đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế xảy ra tại bệnh viện công ở nhiều địa phương, ảnh hưởng rất lớn tới công tác khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. 

Trong các nguyên nhân của tình trạng này có việc xử lý vi phạm của một bộ phận công chức, viên chức y tế đã tạo ra tâm lý e ngại, sợ sai, sợ chịu trách nhiệm, không dám mua sắm của các địa phương, đơn vị.

Cơ quan thẩm tra cũng lưu ý, tội phạm về kinh tế, tham nhũng gắn với “lợi ích nhóm” có chiều hướng gia tăng; nhiều vụ án tham nhũng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trong các lĩnh vực y tế, đất đai, đấu thầu, đấu giá, chứng khoán… xảy ra ở cả khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước. 

Cụ thể như vụ án Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, Cục Quản lý dược – Bộ Y tế, Bộ Tư lệnh cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng… Vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao; Công ty cổ phần tiến bộ quốc tế (AIC); vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, tập đoàn FLC, tập đoàn Tân Hoàng Minh…