Những vụ việc thương tâm khi nhốt trẻ trong nhà

Ngôi nhà tưởng như an toàn nhưng thực tế lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn với trẻ nhỏ. Các cháu bé có thể nghịch lửa hoặc các thiết bị điện gây cháy, chọc que vào ổ điện, leo trèo, đùa nghịch gần khu vực ban công cao tầng, ô thoáng, tiếp xúc với chất tẩy rửa, uống nhầm các loại thuốc của người lớn không phù hợp với trẻ, trượt ngã trong nhà vệ sinh…

Đặc biệt, khi người lớn đi vắng và để trẻ ở nhà một mình, các nguy cơ tiềm ẩn gây tai nạn, thương tích cho trẻ nhỏ lại nhân lên gấp bội, nhất là rủi ro cháy, nổ.

Thời gian qua, đã từng xảy ra nhiều vụ cháy gây hậu quả thương tâm mà nguyên nhân do người lớn khóa trái cửa để trẻ trong nhà.

Mới đây, ngày 24/6, vụ hỏa hoạn xảy ra tại căn nhà số 92 đường Nguyên Phi Ỷ Lan (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) khiến 3 cháu nhỏ tử vong. Ngay khi phát hiện vụ cháy, hàng xóm đã tìm cách dập lửa. Tuy nhiên, cửa nhà khóa chặt, lửa bùng nhanh nên mọi cố gắng đều bất thành.

Theo cơ quan công an, chiều tối 23/6, 3 cháu nhỏ (1 bé trai 6 tuổi, 1 bé gái 4 tuổi, 1 bé trai 6 tháng tuổi) được mẹ là chị Đ.T.T. (29 tuổi) đưa từ Ninh Thuận lên thăm bà ngoại ở TP Đà Lạt. Cả 4 mẹ con ở cùng với bà ngoại trong ngôi nhà số 92 đường Nguyên Phi Ỷ Lan. Sáng hôm sau, người bà đi làm, còn chị T. nấu ăn sáng xong cho các con thì ra ngoài mua sữa. Trước khi đi, chị khóa cửa phòng nhưng quên tắt bếp gas. Sau đó, sự việc thương tâm xảy ra.

chaynha dalat 1 2309.jpg
 Lực lượng chức năng tới hiện trường vụ cháy ở căn nhà số 92 đường Nguyên Phi Ỷ Lan, TP Đà Lạt.

Trước đó, vào khoảng hơn 3h ngày 11/9/2023, vụ cháy nhà trong hẻm 204, đường Thống Nhất (phường 10, quận Gò Vấp, TPHCM) đã khiến 2 bé P.T.B.T. (SN 2013) và P.T.B.P. (SN 2017) tử vong.

Vụ cháy xảy ra khi bố mẹ của 2 cháu bé đã khóa cửa, rời nhà từ lúc 2h để đi đến chợ đầu mối Bình Điền (quận 8) lấy hải sản về buôn bán, trong nhà chỉ còn 2 con đang ngủ.

Khi hàng xóm phát hiện hỏa hoạn đã hô hoán, huy động bình chữa cháy mini dập lửa. Cửa căn nhà và các lối thoát hiểm xung quanh căn nhà bị khóa chặt nên người dân không thể tiếp cận.

Đám cháy lan rộng, nhiều người không hay biết có 2 đứa trẻ bị mắc kẹt bên trong. Khi đám cháy được dập tắt, đội cứu hộ mới tìm được thi thể 2 bé.

Một vụ cháy gây hậu quả thương tâm khác xảy ra ở xã Chư RCăm, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai vào khoảng 7h ngày 14/5/2023. Sau khi đám cháy được dập tắt, lực lượng chức năng phát hiện cháu T.T.V. (6 tuổi) tử vong trong căn phòng khóa cửa. Cơ quan chức năng xác định nguyên nhân cháy do chập điện từ các thiết bị trong nhà.

Lãnh đạo địa phương cho biết, gia đình nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn. Người cha phải đi làm từ sáng sớm nên để con nhỏ ở nhà một mình.

Cần đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ 

Hiện nay đang là mùa hè, giai đoạn cao điểm xảy ra cháy, nổ, cũng là thời gian mà học sinh, trẻ nhỏ nghỉ hè, thời gian sinh hoạt tại nhà tăng lên. Do đó, trẻ em trực tiếp đối diện với nguy cơ cháy, nổ tại hộ gia đình, nhất là những em không có người lớn trông coi, phải ở nhà một mình.

Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cho biết, nguyên nhân cơ bản dẫn đến cháy nổ xuất phát từ các nguồn nhiệt trong gia đình như hệ thống điện tử, hệ thống điều hòa, bếp đun, bình nóng lạnh...

Để bảo đảm an toàn cho trẻ trước những nguy cơ cháy nổ khi ở nhà một mình, cha mẹ cần hướng dẫn những đồ vật gì các con được phép chơi đùa, những đồ vật gì không được phép chơi đùa.

Hướng dẫn các con không được sờ tay vào ổ cắm điện, công tắc hay không được tự ý đun nấu khi chưa có sự giám sát, đồng ý của cha mẹ.

Bên cạnh đó, cha mẹ cần nhắc các con sử dụng điều hòa đúng cách, tránh dùng quá lâu gây chập, cháy; tắt các thiết bị điện không cần thiết trước khi đi ngủ.

Trước khi ra khỏi nhà, các bậc phụ huynh cần lưu ý chủ động kiểm tra, khóa bình gas, tắt bình nóng lạnh, bếp điện đun nấu và các thiết bị tiêu thụ điện khi không sử dụng. Dùng băng keo dán các ổ cắm điện mà trẻ dễ tiếp cận trong nhà.

Đặc biệt, không giao cho trẻ nhỏ thực hiện việc đốt vàng mã; hạn chế giao cho trẻ nhỏ thực hiện việc dùng bếp lửa để đun nấu đề phòng hỏa hoạn và bị bỏng.

Cha mẹ luôn chuẩn bị sẵn đồ ăn, không để trẻ tự đun nấu; không giao cho trẻ nhỏ sử dụng bàn là, bếp điện, lò sấy, các loại thiết bị sinh nhiệt khác bởi sự lơ là của trẻ có thể dẫn đến nguy cơ gây chập, cháy.

Ngoài ra, cha mẹ cần dạy cho trẻ kỹ năng sống, kỹ năng thoát hiểm và bảo đảm an toàn khi xảy ra sự cố nguy hiểm, cháy nổ.