- Nghe chất vấn về khoa học "đút ngăn kéo" của Bộ trưởng, ĐB Trần Ngọc Vinh chỉ ra những máy móc có ứng dụng thiết thực tới đời sống người dân như máy bóc hành, bóc tỏi, tách ngô… lại không phải do người làm khoa học “phát minh” ra.

ĐBQH cho rằng giải thích của Bộ trưởng KH&CN Nguyễn Quân về đề tài nghiên cứu khoa học phải “đút ngăn kéo do đi trước thời đại” chưa thật thuyết phục.

Nói với VietNamNet bên lề phiên họp, dù thông cảm với Bộ trưởng, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho hay đất nước đang còn khó khăn về chính sách, trang thiết bị nghiên cứu KHCN, mạng lưới tuyên truyền, dịch vụ để các ứng dụng KHCN đến với DN, cuộc sống. Bộ trưởng lúc nói không có kinh phí nên không phát triển được, khi lại bảo có kinh phí không giải ngân được khiến ĐB băn khoăn.

{keywords}

ĐB Trần Ngọc Vinh

ĐB của Hải Phòng cho hay ông muốn bấm nút hỏi rõ Bộ trưởng liệu VN có cần khoa học “đút ngăn kéo” và khi cần có rút ra được để cạnh tranh với các nước hay không.

"Một số nước một, hai chục năm mới rút ra được còn ta từ trước tới nay đã “rút” ra được chưa hay vẫn “cất kỹ” trong ngăn kéo?”- ĐB Vinh nêu ví dụ.

Kỳ vọng phải nhìn thẳng, nói thẳng vào vấn đề, ĐB mong muốn ngành khoa học công nghệ phải nhìn vào thực tế nguồn lực đang có để xác định lĩnh vực khoa học tập trung phát triển, đặc biệt phải giảm thiểu khoa học “đút ngăn kéo”, không thể dùng ngân sách đầu tư tràn lan để cất đi thì quá lãng phí. Các nhà khoa học muốn nghiên cứu gì cũng phải xuất phát từ thực tế, có tính ứng dụng cao, không phải nghiên cứu những thứ cao siêu để cất ngăn kéo, không biết bao giờ mới có thể rút ra để dùng.

“Tôi lấy làm lạ là những máy móc có ứng dụng thiết thực tới đời sống người dân như máy bóc hành, bóc tỏi, tách ngô…lại không phải do những người làm công tác khoa học “phát minh” ra mà lại do chính những người nông dân chế tạo ra”, ĐB nêu.

Lạc hậu như lời Bộ trưởng nói

Là ĐB trực tiếp đặt câu hỏi về vấn đề lãng phí từ những đề tài xếp ngăn kéo, ĐB Nguyễn Sỹ Cương bày tỏ thất vọng về phần trả lời của Bộ trưởng, cho thấy khoa học lạc hậu như lời Bộ trưởng nói và không nhận thấy trách nhiệm quản lý nhà nước về KH&CN.

{keywords}

ĐB Nguyễn Sỹ Cương. Ảnh: Lê Anh Dũng

“Tôi rất thất vọng vì cho đến giờ lý giải cho lãng phí cứ đổ cho việc đầu tư không tới ngưỡng. Đầu tư không tới ngưỡng thì phải dừng lại chứ?”, ĐB Cương nhấn mạnh.

Theo ĐB, việc nghiên cứu xong bỏ vào ngăn kéo rồi mấy năm không áp dụng được, lại bỏ đi là do không xác định được đầu ra. Không xác định được đầu ra thì nghiên cứu làm gì trong khi 2% ngân sách dành cho KH&CN không phải là con số nhỏ mà rất lớn. Vấn đề ngân sách chia nhỏ để dành thực sự cho nghiên cứu lại quá ít, chỉ 20% trong số 2% đòi hỏi phải tính toán lại.

Ông cũng không đồng tình với cách giải thích của Bộ trưởng cho rằng công trình nghiên cứu xếp vào ngăn kéo vì đi trước thời đại. Bởi tất cả những đề tài khi được xét duyệt phải tính toán đầu ra, nghiên cứu để làm gì phải rõ ràng không thể nghiên cứu trước nằm chờ “phục” cơ hội đưa ra ứng dụng.

"Tôi nghĩ cái đấy là đi ngược với thế giới”, ĐB Cương phân tích.

{keywords}
ĐB Bùi Thị An. Ảnh: Minh Thăng

ĐB Hà Nội, nhà khoa học Bùi Thị An chưa hài lòng phần trả lời làm rõ như tại sao khoa học công nghệ chưa đứng ở vị trí đúng tầm cũng như chưa làm rõ trách nhiệm của Bộ trưởng trong phát triển ngành.

Khác với hai ĐB trên, ĐB Bùi Thị An đồng ý với Bộ trưởng có những đề tài phải đợi 10 năm, 20 năm nhưng bà nhấn mạnh trong điều kiện của VN không nên nghiên cứu những vấn đề có tầm quá xa đến như vậy.

Thay vào đó cần tập trung nghiên cứu những vấn đề gần hơn để ứng dụng vào thúc đẩy sự phát triển xã hội. Bà cũng chia sẻ khi công tác trước đây ở Viện Khoa học Việt Nam, Viện Hàn lâm có rất nhiều nhà khoa học giỏi nhưng chưa có đề tài nào sau 20-30 năm mới bắt đầu ứng dụng.

Thu Hằng - Chung Hoàng