Kỳ thi V-SAT, hơn 20 trường đại học cùng tổ chức
Đề thi 90% chương trình lớp 12, 10% kiến thức thuộc chương trình lớp 10 và lớp 11. Thí sinh làm bài thi trên máy tính, trong đó thời gian làm bài môn toán, ngữ văn 90 phút; các môn tiếng Anh, vật lí, hóa học, lịch sử, địa lý, sinh học là 60 phút.
Đề thi có 3 dạng câu hỏi gồm: câu trắc nghiệm đúng/sai; câu trắc nghiệm đối chiếu cặp đôi (ghép hợp) và câu trắc nghiệm trả lời ngắn.
Đối với câu hỏi trắc nghiệm đúng/sai gồm ba cột. Trong đó, một cột là danh sách những câu hỏi và hai cột còn lại là các ô trống để thí sinh dựa vào hiểu biết của mình đưa ra quyết định chọn đúng hoặc sai. Mỗi câu hỏi loại có 4 - 5 phương án lựa chọn.
Câu hỏi trắc nghiệm ghép hợp có nhiều lựa chọn. Loại câu hỏi này gồm hai cột, một cột là danh sách những câu/ý hỏi và một cột là danh sách các câu trả lời. Dựa trên một hệ thức tiêu chuẩn nào đó định trước, thí sinh tìm cách ghép những câu hỏi của cột này với các câu trả lời ở cột còn lại sao cho phù hợp. Số câu trong hai cột có thể bằng nhau hoặc khác nhau.
Phần để hỏi thường được đặt ở cột bên trái, đánh thứ tự câu/ý hỏi bằng chữ số (1,2, 3...): phần trả lời được đặt ở cột bên phải, đánh thứ tự bằng chữ cái latin (A, B, C,...)
Câu hỏi trắc nghiệm trả lời ngắn yêu cầu thí sinh tìm tòi ra câu trả lời của mình thay vì lựa chọn câu trả lời từ các phương án cho sẵn. Câu trả lời có thể là một từ, một con số, một biểu tượng hoặc một cụm từ, hay cũng có thể là một câu trả lời đơn giản...
Đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức, gần 100 trường xét tuyển
Bài thi gồm các phần sử dụng ngôn ngữ và toán học, đồng thời tăng số lượng câu hỏi của hai phần này để tăng độ tin cậy và độ phân biệt; phần logic - phân tích số liệu và giải quyết vấn đề được cấu trúc lại thành phần tư duy khoa học, nhằm đánh giá năng lực của thí sinh về logic và suy luận khoa học khi giải quyết các tình huống thực tế thuộc các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế và xã hội.
Các câu hỏi trong phần tư duy khoa học được xây dựng theo hướng cung cấp thông tin, số liệu, dữ kiện, hoạch định thí nghiệm và kết quả thực nghiệm. Thông qua đó, thí sinh thể hiện khả năng hiểu và vận dụng thông tin, xác định kết quả thực nghiệm, dự đoán quy luật.
Đề thi có 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan đa lựa chọn với 150 phút làm bài thi trên giấy. Kết quả thi được xác định bằng phương pháp trắc nghiệm theo lý thuyết ứng đáp câu hỏi. Điểm của từng câu hỏi có trọng số khác nhau tùy thuộc vào độ khó.
Điểm thi được quy đổi theo từng phần, với điểm số tối đa của bài thi là 1.200. Trong đó, điểm tối đa từng thành phần của bài thi được thể hiện trên phiếu điểm gồm: Tiếng Việt 300 điểm, Tiếng Anh 300 điểm, Toán học 300 điểm và Tư duy khoa học 300 điểm.
Đánh giá năng lực chuyên biệt, hàng chục trường dùng kết quả
Đề được thiết kế phục vụ đối tượng dự thi là học sinh theo học chương trình giáo dục phổ thông 2018 tham dự các đợt thi tổ chức từ năm 2025, trong đó phần nội dung kiến thức chiếm 70-80% là chương trình lớp 12, còn lại là chương trình lớp 10 và 11.
Bài thi đánh giá năng lực tiếng Anh vẫn giữ hướng tiếp cận theo định dạng bài thi đánh giá năng lực từ bậc 3 đến bậc 5 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Các môn còn lại có nhiều điểm cải tiến trong cấu trúc các bài thi với dạng thức câu hỏi áp dụng cho các bài thi gồm dạng câu hỏi trắc nghiệm và câu hỏi tự luận đóng/mở. Thời gian làm bài là 90 phút.
Các bài thi đánh giá năng lực toán, vật lí, hóa học, sinh học số lượng câu hỏi sẽ có 40 câu và được chia làm 3 phần: phần 1 là câu hỏi đơn, phần 2 là âu hỏi tổng hợp, phần 3 là câu hỏi điền đáp án đúng. Bài thi đánh giá năng lực Ngữ văn bao gồm phần đọc hiểu và phần viết.