Theo kết quả điều tra 53 DTTS năm 2019, dân số DTTS có 14,2 triệu người, 3,4 triệu hộ, chiếm 14,7% dân số cả nước. Trong đó có 06 dân tộc có trên 1 triệu người (Tày, Thái, Mường, Khmer, Nùng và Mông); 14 dân tộc có dưới 10.000 người (Cống, Mảng, Pu Péo, Si La, Cờ Lao, Bố Y, La Ha, Ngái, Chứt, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Lô Lô, Lự, Pà Thẻn, La Hủ); 05 dân tộc có dân số dưới 1.000 người (Si La, Pu Péo, Rơ Măm, Brâu, Ơ Đu). Tuổi thọ trung bình của người DTTS hiện nay là 69,9 tuổi (thấp hơn so với tuổi thọ bình quân chung của cả nước 73,2 tuổi).

Trong thời gian quan, mặc dù cùng được hường luồng gió đổi mới, cùng nhận được sự quan tâm đầu tư nhưng ở nhiều vùng dân tộc thiểu số, sinh kế vẫn chưa đa dạng, tỷ lệ nghèo vẫn chưa bền vững, văn hóa truyền thống dần bị mai một, lấn ất bởi tác động của đời sống kinh tế, xã hội nhất là trong giai đoạn hội nhập quốc tế, bùng nổ thông tin hiện nay, sự giao thoa, du nhập văn hóa của các vùng miền.

Trước kia, ở các phiên chợ các chàng trai, cô gái thường thổi kèn lá để tìm bạn tình; khi yêu nhau, họ dùng tiếng sáo, dùng đàn môi để bày tỏ tình cảm với người yêu; đi chơi hội Gầu tào, họ dùng đàn ống để làm phương tiện chuyển tải tình cảm của mình… Nhưng nay, nhiều nơi nhất là lới thanh, thiếu niên đã “quên” dùng nhạc cụ “khèn”, “lá” “sáo”, “đàn môi”…. Việc thổi kèn, thổi sáo hay hát tỏ tình đang bị mai một trong cuộc sống.

Ở phiên chợ vùng cao phí Bắc, các chàng trai, cô gái thường thổi kèn lá tìm nhau

Ngay cả tiếng nói, một thành tố cơ bản của văn hóa dân tộc, là tiêu chí quan trọng để xác định thành phần tộc người, cũng đã bị mai một hoặc có nguy cơ mai một. Hiện nay, người Bố Y ở Lào Cai không còn nhớ tiếng mẹ đẻ, đã chuyển sang nói tiếng Quan Hỏa (tiếng Hán phương Nam), còn người Bố Y ở Hà Giang lại chủ yếu nói tiếng Giáy và tiếng Tày… Ở một số địa phương khác thuộc vùng Tây Bắc các dân tộc Kháng, La Ha, Xinh Mun… chủ yếu sử dụng ngôn ngữ Thái trong giao dịch...

Bởi vậy, kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác dân tộc trong tình hình mới nêu rõ “…chú trọng nâng cao mức hưởng thụ văn hoá của người dân. Đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hoá cơ sở ở từng vùng, từng địa phương; quan tâm tu bổ, bảo tồn các công trình di tích lịch sử, văn hoá; sưu tầm, bảo tồn và phát huy có hiệu quả giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của các dân tộc thiểu số. Phát huy vai trò làm chủ của đồng bào trong xây dựng đời sống văn hoá, xoá bỏ các hủ tục lạc hậu…”.

Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 24 cho thấy việc cấp bách trong thời gian tới là phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Cụ thể:

Nâng cao chất lượng Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở vùng đồng bào DTTS&MN gắn với di tích lịch sử văn hóa ở từng vùng, từng địa phương; tăng cường tổ chức các hoạt động phát triển văn hóa đọc cho đồng bào DTTS bằng nhiều phương thức như: Ban hành các chính sách khuyến khích xây dựng thư viện tư nhân, thư viện cộng đồng, tủ sách xã; các ban, bộ ngành Trung ương phối hợp chỉ đạo, tăng cường luân chuyển sách báo và phát triển hệ thống các điểm phục vụ lưu động tại cơ sở; chú trọng đến các xuất bản phẩm bằng tiếng dân tộc; tạo điều kiện để nhân dân tham gia và phát huy vai trò làm chủ trong công cuộc xây dựng đời sống văn hóa mới, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân vùng đồng bào DTTS&MN.
 
Có chính sách hiệu quả để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các DTTS. Tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS từng bước hạn chế tiến tới xóa bỏ các hủ tục lạc hậu.

Tăng cường công tác truyền thông bằng tiếng dân tộc trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nâng cao năng lực cho các phóng viên, biên tập viên các chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng DTTS. Đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực văn hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai các hoạt động tuyên truyền trong vùng đồng bào DTTS.

Hỗ trợ phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao, hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp phục vụ đồng bào DTTS; phát huy vai trò của các nghệ nhân dân gian; đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ văn hóa là người DTTS .

Nếu không làm ngay, làm rốt ráo, làm quyết liệt thì e rằng, dưới sự tác động mạnh mẽ của đời sống hiện đại, một số di sản văn hóa còn sót lại của đồng bào dân tộc ít người sẽ không còn được tìm thấy trong một ngày gần đây.

Văn Hùng, Tuấn Anh, Thu Hằng, Bạch Hân, Thục Anh