Tờ China Daily đưa tin Trường Tiểu học Thực nghiệm khu phát triển Quảng Châu, thuộc Đại học Sư phạm Nam Trung Quốc vừa ban hành điều kiện xét và công nhận tốt nghiệp đối với học sinh.

Theo quy định ban hành của nhà trường, để tốt nghiệp học sinh phải thành thạo 8 kỹ năng sau: 

"1. Thành thạo ít nhất 2 kỹ năng thể thao, gồm bơi lội và một môn tự chọn khác.

2. Hình thành thói quen đọc sách không dưới 10 triệu từ. Số sách bao gồm sách trong và ngoài nước: 50 tác phẩm kinh điển, 30 tiểu sử về danh nhân, 30 quyển sách khoa học, 30 quyển sách tiếng Anh.

3. Nắm vững kỹ năng chơi một loại nhạc cụ nhằm phát triển niềm yêu thích và đam mê âm nhạc.

4. Nói thành thạo tiếng Anh và tiếng Trung.

5. Đề cao khả năng viết chữ đẹp.

6. Rèn luyện các kỹ năng làm việc nhà và nấu ăn.

7. Học sinh nên tham gia làm thí nghiệm khoa học và hoàn thành báo cáo cho hội chợ khoa học của trường.

8. Có ý thức tham gia vào dự án đổi mới khoa học".

3af3108f 7673 460f 83c1 66d0b08e197c.png
8 kỹ năng Trường Tiểu học Thực nghiệm khu phát triển Quảng Châu (Trung Quốc) yêu cầu học sinh phải thành thạo. 

Nội dung trên được ông Trương - phụ huynh có con học trường này, đăng tải lên mạng xã hội với bình luận: "Yêu cầu học sinh tiểu học phải nói thông thạo tiếng Trung và tiếng Anh có cần thiết không? Về phía phụ huynh, chúng tôi cũng cảm thấy áp lực và mệt mỏi". 

Đồng tình với quan điểm của ông Trương, nhiều phụ huynh cho rằng một số điều kiện nằm ngoài khả năng của học sinh tiểu học.

Phần lớn nhiều người cho rằng yêu cầu học sinh tiểu học nói tiếng Anh lưu loát không hợp lý. Vì nhiều sinh viên đại học cũng chưa chắc đã đạt được.

"2/3 học sinh tiểu học và THCS đều không thể đáp ứng được 8 yêu cầu này. Trường Tiểu học Thực nghiệm khu phát triển Quảng Châu ban hành điều kiện tốt nghiệp không dựa trên thực tế", một phụ huynh bình luận.

"Yêu cầu học sinh tiểu học thành thạo tiếng Anh không xa lạ, nhưng chưa phù hợp với đại đa số học sinh trong trường", một phụ huynh gay gắt bày tỏ. "Yêu cầu cuối cùng tham gia vào dự án khoa học là quá khắt khe", một phụ huynh cho biết.

Người khác lại cho rằng việc học nhạc cụ còn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế gia đình và năng khiếu của trẻ em.

Thông báo này thu hút cả sự quan tâm của các chuyên gia. Bà Fan Xiudi, Viện Giáo dục Đại học thuộc Đại học Đồng Tế, Thượng Hải, cho biết: "Thông báo rất mơ hồ. Điển hình, yêu cầu học 10 triệu từ là đọc lướt hay đọc hiểu? Hay định nghĩa thế nào là nói tiếng Anh lưu loát?".

Bà cũng cảnh báo các tiêu chuẩn trong trường học phải phù hợp với quy định giáo dục và sự phát triển thay vì thúc trẻ "chín ép". Nếu việc học quá căng thẳng, trẻ sẽ mất hứng thú và từ chối tiếp nhận kiến thức.

Trong khi đó, người khác lại cho rằng xét về bản chất, giáo dục là nuôi dưỡng học sinh phát triển toàn diện. Do đó, các yêu cầu của nhà trường nhằm rèn luyện phẩm chất, năng lực toàn diện của học sinh và nâng cao khả năng cạnh tranh trong các cuộc thi.

Trước những ý kiến trái chiều, đại diện trường tiểu học cho biết quy định được ban hành đầu năm học là nét riêng của trường. "Chúng tôi khuyến khích phụ huynh phối hợp để thúc đẩy sự phát triển của trẻ", đại diện thông tin thêm.

Hiện tại, sau thông báo của nhà trường nhiều phụ huynh mong muốn sẽ có buổi đối thoại giữa 2 bên. "Chúng tôi cần nhà trường lý giải thêm về các yêu cầu trên với mục đích giải quyết những xung đột trong giáo dục, nhằm mang lại môi trường phát triển tốt nhất cho học sinh", phụ huynh trường cho biết.