Hiện nay, Nghị định số 44/2014/NĐ-CP có 5 phương pháp định giá đất là: So sánh trực tiếp; chiết trừ; thu nhập; thặng dư và hệ số điều chỉnh giá đất.

Thay vì 5 phương pháp trên, tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 44, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất 4 phương pháp định giá đất.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất 4 phương pháp định giá đất. (Ảnh minh họa)

Cụ thể, đầu tiên là "phương pháp so sánh" được thực hiện bằng cách điều chỉnh mức giá của các thửa đất có cùng mục đích sử dụng đất đã chuyển nhượng thành công trên thị trường, trúng đấu giá quyền sử dụng đất (thửa đất so sánh) thông qua việc phân tích, so sánh các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất sau khi đã loại trừ giá trị tài sản gắn liền với đất (nếu có) để xác định giá của thửa đất cần định giá.

Thứ 2, "phương pháp thu nhập" được tính bằng thu nhập ròng bình quân năm trên một diện tích đất chia cho lãi suất tiền gửi tiết kiệm bình quân của loại tiền gửi bằng Việt Nam Đồng (VND) kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng thương mại do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ trên địa bàn cấp tỉnh của 3 năm liền kề (được tính từ ngày 1/1 đến hết ngày 31/12) trước thời điểm định giá.

Thứ 3, "phương pháp thặng dư" được thực hiện bằng cách lấy tổng doanh thu phát triển ước tính trừ đi tổng chi phí phát triển ước tính của thửa đất, khu đất trên cơ sở sử dụng đất có hiệu quả cao nhất (hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, số tầng cao tối đa của công trình) theo quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Thứ 4, "phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất" được thực hiện bằng cách lấy giá đất trong bảng giá đất nhân với hệ số điều chỉnh giá đất. Hệ số điều chỉnh giá đất do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành thông qua việc so sánh giá đất trong bảng giá đất với giá đất phổ biến trên thị trường.