Cục An toàn thông tin dự kiến đưa 8 loại hình sản phẩm và 11 loại hình dịch vụ ATTT vào dự thảo Nghị định Quy định chi tiết về điều kiện cấ giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ ATTT mạng.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng chỉ đạo tại phiên họp chiều nay. Ảnh: T.C |
Cụ thể, đó là các loại hình sản phẩm: 1. Sản phẩm chống tấn công, xâm nhập; 2. Sản phẩm ngăn chặn thư rác; 3. Sản phẩm ngăn chặn, loại bỏ phần mềm độc hại; 4. Sản phẩm bảo vệ hệ thống cơ sở dữ liệu; 5. Sản phẩm bảo đảm an toàn kết nối mạng; 6. Sản phẩm kiểm tra, đánh giá ATTT mạng; 7. Sản phẩm giám sát ATTT mạng và 8. Sản phẩm phân tích, điều tra ATTT mạng.
Trong số này, ba loại hình sản phẩm số (1), (6) và (7) đã được quy định trong Luật ATTT mạng, năm loại hình còn lại được dự thảo Nghị định bổ sung mới.
Tương tự, các loại hình dịch vụ ATTT mạng gồm có: 1. Dịch vụ tư vấn ATTT mạng; 2. Dịch vụ ứng cứu sự cố; 3. Dịch vụ phòng ngừa, chống tấn công mạng; 4. Dịch vụ kiểm định, sản phẩm ATTT mạng; 5. Dịch vụ thẩm định và xác định cấp độ hệ thống thông tin; 6. Dịch vụ kiểm tra đánh giá ATTT mạng; 7. Dịch vụ bảo mật thông tin không sử dụng mật mã dân sự; 8. Dịch vụ xác thực điện tử; 9. Dịch vụ phân tích, điều tra, loại bỏ phần mềm độc hại; 10. Dịch vụ khôi phục dữ liệu và 11. Dịch vụ giám sát ATTT mạng.
Trong đó, 4 loại hình dịch vụ số (4), (5), (8) và (9) mới được bổ sung, bảy loại hình còn lại đã được đề cập trong Luật ATTT mạng, đại diện Cục An toàn thông tin cho biết, không quên nói thêm rằng việc xây dựng danh mục nhóm sản phẩm và dịch vụ ATTT đã có tham khảo việc phân loại, quy định của các nước như Mỹ, Trung Quốc....
Đóng góp ý kiến cho dự thảo Nghị định, đại diện Cục Tin học hóa cho rằng nên cân nhắc cấp phép một cách có chọn lọc, tránh đòi hỏi tất cả các loại hình dịch vụ, sản phẩm ATTT mạng kinh doanh trên thị trường đều phải xin cấp phép. "Các sản phẩm chống virus trước giờ vẫn đang kinh doanh bình thường thì nay có phải xin cấp giấy phép hay không?", đơn vị này nêu vấn đề.
Đại diện Thanh tra Bộ lại nêu ra một góc độ khác trong hướng tiếp cận luật. "Những phần mềm nghe lén điện thoại như Việt Hồng thì cấp phép ra sao? Việc quy định nên gắn với những ví dụ cụ thể trong thực tế để tăng sự khả thi khi triển khai".
Định hướng cho đơn vị xây dựng dự thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho rằng, quy định gắn kết với thực tế là yêu cầu cực kỳ quan trọng. Ông dẫn lại vụ chủ quán cafe "Xin chào" mới đây để lưu ý Cục ATTT rằng, nếu quy định khiến cho hàng ngàn doanh nghiệp ATTT không kịp xin giấy phép kinh doanh trong lĩnh vực này thì sẽ rất nguy hiểm.
"Khi Luật ATTT mạng mới được ban hành, một bộ phận giới ATTT rất lo lắng, nhất là những ai đang kinh doanh dịch vụ, sản phẩm. Chúng ta nên đặt mình vào vị trí của họ. Vừa phải xin giấy phép kinh doanh của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, lại vừa phải xin cấp phép từ Bộ TT&TT nếu muốn kinh doanh dịch vụ, sản phẩm ATTT thì có phức tạp quá không?", ông phân tích.
Giải pháp mà Thứ trưởng đưa ra là đơn vị xây dựng Nghị định cần "cầu thị", tìm ra cách để vừa lấp đầy những lỗ hổng trong kinh doanh sản phẩm, dịch vụ ATTT không phép, nhưng đồng thời lại không cản trở hoạt động kinh doanh chính đáng của xã hội. "Nếu quy định đưa ra mà đa phần doanh nghiệp không hoạt động được vì không xin phép kịp thì dư luận sẽ phản ứng rất mạnh", Thứ trưởng cảnh báo. Nên chăng, dự thảo Nghị định chỉ nên xem xét cấp phép những sản phẩm, dịch vụ đặc thù, "mà không quản lý thì sẽ gây rối loạn thị trường" mà thôi, bởi tinh thần của Chính phủ, của Quốc hội hiện nay là càng đơn giản hóa thủ tục, càng cởi trói cho doanh nghiệp càng tốt.
"Cần tránh tư duy máy móc khi xây dựng quy định. Điều này đòi hỏi sự cân nhắc, xem xét cẩn trọng và kỹ lưỡng", Thứ trưởng kết luận. Theo dự kiến, phiên họp tiếp theo của tổ soạn thảo dự thảo Nghị định sẽ diễn ra trong tuần tới.
T.C