- Việc phát triển quá nhanh số lượng cơ quan báo chí và đội ngũ nhà báo trong khi vẫn duy trì chế độ bao cấp về xuất bản và phát hành đang đặt ra những vấn đề cần điều chỉnh kịp thời.

Trong khi chỉ chấp nhận sự tham gia của tư nhân vào hoạt động báo chí dưới hình thức liên kết với cơ quan báo chí nhà nước, dự thảo luật Báo chí sửa đổi lại mở cửa khá rộng với cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội các cấp - nơi dùng ngân sách để chi cho hoạt động.

Tại hội thảo góp ý cho dự thảo hôm nay ở TP.HCM, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, sự phát triển của báo chí trong thời gian qua thể hiện tác động tích cực của luật Báo chí trong cuộc sống.

{keywords}
GS Nguyễn Minh Thuyết: Cơ quan báo chí nhà nước đồng sở hữu nhiều loại hình gây lãng phí ngân sách

Con số thống kê của Bộ TT&TT cho thấy, đến nay, cả nước đã có trên 800 cơ quan báo chí, với gần 1.500 ấn phẩm, 68 đài phát thanh, truyền hình. Thậm chí, một số địa phương còn tổ chức đài phát thanh - truyền hình cấp huyện.

Tuy nhiên, GS Thuyết cho rằng, việc phát triển quá nhanh số lượng cơ quan báo chí và đội ngũ nhà báo trong khi vẫn duy trì chế độ bao cấp về xuất bản và phát hành đang đặt ra những vấn đề cần điều chỉnh kịp thời.

Đại bộ phận báo, đài vẫn được Nhà nước bao cấp toàn bộ hoặc một phần về nhân sự, trụ sở, trang thiết bị, chi phí in ấn và được phát hành tới các đơn vị hành chính, các tổ chức chính trị, xã hội cũng bằng ngân sách nhà nước. Số cơ quan báo chí tự cân đối thu chi chỉ vào khoảng trên dưới 10 đơn vị và cũng chỉ đối với vài chục ấn phẩm.

Một số cơ quan báo chí còn đồng thời sở hữu nhiều loại hình báo chí, như TTXVN có bản tin, báo in, báo điện tử và kênh truyền hình riêng. Đài Tiếng nói Việt Nam cũng có báo in, báo điện tử và kênh truyền hình. Bên cạnh đó, một số ngành cũng thành lập riêng các đài truyền hình của mình.

Nguyên Phó chủ nhiệm UB Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH cho rằng điều này gây lãng phí về thời gian, công sức và tiền của.

Ông cho rằng, điều 7 của luật Báo chí về việc lập Quỹ hỗ trợ phát triển báo chí với nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, tài trợ của cơ quan, tổ chức, cá nhân... có thể làm tăng thêm gánh nặng ngân sách.

Ông đề nghị thu hẹp mô hình báo chí cơ quan nhà nước chỉ bao gồm cơ quan báo chí của TƯ Đảng, QH, Chính phủ, được ngân sách nhà nước đảm bảo hoàn toàn về trụ sở, phương tiện làm việc, lương và công tác phí nhưng việc phát hành, đơn vị phải tự lo. Các báo còn lại tổ chức theo mô hình "đơn vị sự nghiệp có thu" và "doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện", tự cân đối thu chi.

Nên chuyển sang quản lý nội dung

Báo chí không có doanh thu tốt thì không thể mạnh được. Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch công ty Le Media, cho hay, nếu không chuyển hướng sang loại hình báo điện tử thì cơ quan báo chí khó sống nổi. 

{keywords}
Báo chí đang đứng trước áp lực tự chủ kinh tế lớn để tồn tại

Các tờ báo nếu không được trở thành báo điện tử, thì bắt buộc phải đăng lại nội dung của bản in lên website. "Đó là hình thức tự sát đối với báo in" - ông cho hay.

Hiện nay, ngoại trừ 3 website hàng đầu, doanh thu quảng cáo của các báo điện tử và trang tin điện tử còn rất ít ỏi, chưa thể bù đắp cho doanh thu sụt giảm từ báo in. Trong xu hướng thay đổi rất nhanh của công nghệ và xu hướng truyền thông, bản thân các trang tin điện tử cũng khó cạnh tranh với truyền thông xã hội.

Theo ông  Vinh, nếu báo nào không thay đổi thật nhanh, bắt kịp xu hướng, xây ngay lập tức nhiều nền tảng truyền thông thì chắc chắn báo đó sẽ chết sớm. Các nền tảng đó bao gồm báo in, báo mạng, phiên bản báo mạng di động, phiên bản PDF tương tác cho máy tính bảng, phiên bản điện thoại di dộng smartphone, phiên bản đa phương tiện...

Ông kiến nghị luật Báo chí nên thay đổi cách quản lý báo chí, từ quản lý hình thức sang quản lý nội dung. Theo đó cấp phép một lần cho các cơ quan báo chí và cho họ tự phát triển các nền tảng phù hợp với chiến lược cạnh tranh, phù hợp năng lực của mình. Thay vào đó chỉ tập trung quản lý bộ máy lãnh đạo cơ quan báo chí, quản lý lập trường tư tưởng và nội dung thông tin mà họ đăng tải trên các nền tảng đó.

Linh Thư - Ảnh: Đinh Tuấn