Đề xuất khách hàng sản xuất kinh doanh khó khăn được giữ nguyên nhóm nợ
Những khách hàng gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh sẽ được các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đến hết năm nay.
Đây là đề xuất của Ngân hàng Nhà nước tại Dự thảo thông tư quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Để cơ cấu lại thời hạn trả nợ, khoản vay phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: khoản vay phát sinh trước ngày thông tư này có hiệu lực và từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh; khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc hoặc lãi trong thời gian từ ngày thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2023.
Ngân hàng Nhà nước muốn siết chặt vay sân sau
Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa ký Tờ trình gửi Quốc hội dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Trong đó, Ngân hàng Nhà nước đề xuất nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn sở hữu chéo, siết cho vay doanh nghiệp sân sau và xử lý sự cố rút tiền hàng loạt tại các tổ chức tín dụng.
Với khoản vay đặc biệt để tổ chức tín dụng giải quyết, xử lý sự cố khách hàng rút tiền hàng loạt, dự thảo quy định lãi suất cho vay là 0%/năm, với thời hạn như cho vay đặc biệt khác.
Chính phủ đồng ý nguyên tắc giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%
Ngày 17/4, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi Bộ trưởng Tài chính truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về các phương án miễn, giảm thuế, phí, lệ phí cho năm 2023.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đồng ý về nguyên tắc Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho phép xây dựng, ban hành Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng.
Chấn chỉnh công tác thẩm định cấp hợp đồng bảo hiểm
Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) chiều 17/4 đã có buổi làm việc với đại diện các doanh nghiệp bảo hiểm về công tác quản lý chất lượng hoạt động đại lý bảo hiểm và chất lượng công tác chăm sóc khách hàng.
Cơ quan quản lý về bảo hiểm yêu cầu chấn chỉnh công tác thẩm định cấp hợp đồng bảo hiểm; việc thẩm định và cấp hợp đồng bảo hiểm phải bảo đảm phù hợp với khả năng tài chính và mức độ chấp nhận rủi ro bảo hiểm của khách hàng.
Cần sớm có giải pháp thích ứng với thuế tối thiểu toàn cầu
Việt Nam sẽ sớm có những giải pháp để thích ứng với thuế tối thiểu toàn cầu nhằm hạn chế những ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư. Đây là nội dung chính của hội thảo "Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu: Kinh nghiệm áp dụng của các quốc gia, dự kiến tác động và khuyến nghị cho Việt Nam" do Bộ Tài chính tổ chức sáng 18/4.
Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ được áp dụng từ năm 2024. Các chuyên gia đánh giá, thuế này sẽ làm giảm sức cạnh tranh của môi trường đầu tư tại Việt Nam. Bởi các doanh nghiệp sẽ phải nộp bổ sung phần thuế chênh lệch về chính quốc, khiến các ưu đãi thuế không còn mang lại nhiều tác dụng. Song Việt Nam không thể đứng ngoài dòng chảy quốc tế
Cần khắc phục bất cập về giá điện tái tạo
Bộ Công Thương đã ban hành khung giá phát điện cho các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp nhưng lại chưa nhận được sự đồng thuận của doanh nghiệp. Vì vậy, đến ngày 31/3, mới chỉ có khoảng 23% số dự án nộp hồ sơ đàm phán hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, trong 10 thành phần của hồ sơ phục vụ đàm phán hợp đồng mua bán điện và giá điện, có nhiều quy định đang làm khó cho doanh nghiệp.
Đề xuất bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa góp ý với Bộ Tài chính về Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, VCCI cho rằng, mặt hàng xăng đang phải chịu cùng lúc hai loại thuế có cùng tính chất hạn chế tiêu dùng là thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường. Nhưng xăng không phải mặt hàng xa xỉ nên việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng cũng là nhằm bảo vệ môi trường. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng. Trong trường hợp cần thiết thì điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường cho phù hợp với mục tiêu của loại thuế này.
Trung Quốc trả giá cao để mua chè của Việt Nam
Thống kê từ Tổng cục Hải quan, 3 tháng đầu năm 2023, nước ta xuất khẩu 21.300 tấn chè các loại, thu về 35,2 triệu USD, giảm 7,1% về lượng và giảm 4,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá chè xuất khẩu bình quân đạt 1.651,4 USD/tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, dù chưa phải là khách hàng lớn nhất song Trung Quốc đang trả mức giá cao ngất ngưởng để mua chè của Việt Nam. Trong quý I/2023, giá bình quân xuất khẩu chè sang Trung Quốc vọt lên mức 2.930,4 USD/tấn, tăng 108,5% so với cùng kỳ năm ngoái.