Nội dung trên được UBND Quận 1 cập nhật trong báo cáo đề xuất UBND TP.HCM xem xét việc thí điểm phương án tổ chức, quản lý các tuyến đường nhánh giao với tuyến đường Nguyễn Huệ.

Qua rà soát 6 tuyến đường nhánh giao với đường Nguyễn Huệ, UBND Quận 1 đề xuất 3 tuyến đường đủ điều kiện tổ chức giữ xe hai bánh ở lòng đường. Bao gồm: Đường Mạc Thị Bưởi (đoạn từ Đồng Khởi đến Nguyễn Huệ), đường Ngô Đức Kế (đoạn từ Đồng Khởi đến Nguyễn Huệ và đoạn từ Nguyễn Huệ đến Hồ Tùng Mậu), đường Hải Triều (đoạn từ Nguyễn Huệ đến Hồ Tùng Mậu).

Thời gian đề xuất thí điểm vào thứ 7, Chủ nhật và các ngày có sự kiện lớn, từ 18h đến 23h (trừ các trường hợp có yêu cầu cơ quan chức năng không tổ chức giữ xe hai bánh trong thời gian tổ chức lễ hội, sự kiện khác). Thời hạn tổ chức thí điểm được đề xuất từ ngày 1/1/2024 cho đến khi có Quyết định thành lập Trung tâm quản lý công viên và Phố đi bộ Quận 1.

W-z4857273114543-ee9c5d7e1c3719eb4f1391a1dc9bc00a-1.jpg
Phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Cho kinh doanh trên vỉa hè phố đi bộ Nguyễn Huệ

Cũng trong báo cáo gửi UBND TP.HCM, UBND Quận 1 cho biết, khu vực trục đường Nguyễn Huệ đoạn từ giao lộ Nguyễn Huệ- Lê Lợi đến Tôn Đức Thắng có 28 địa điểm gồm 4 khách sạn và 24 cơ sở kinh doanh ăn uống đang hoạt động. 

Theo Đề án "Tiếp nhận, quản lý và khai thác khu vực trung tâm", tuyến đường Nguyễn Huệ được định hướng tổ chức hoạt động theo phân vùng. 

Khu vực Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ tổ chức các hoạt động văn hóa, chính trị, tổ chức cảnh quan phù hợp phía sau Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Khu vực giữa Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và tiếp giáp đường Tôn Đức Thắng sẽ tổ chức các hoạt động lễ hội, thể dục thể thao, biểu diễn nghệ thuật.

Khu vực tiếp giáp đường Tôn Đức Thắng tổ chức các hoạt động về quảng cáo, giải trí; tổ chức cầu đi bộ kết nối không gian đường Nguyễn Huệ và Công viên Cảng Bạch Đằng để tạo cảnh quan và giảm ùn tắc giao thông.

Trong Đề án "Định hướng một số giải pháp phát triển kinh tế ban đêm", UBND Quận 1 đã trình UBND TP xem xét thí điểm đường Nguyễn Huệ thành "Con đường nghệ thuật" và nhận thấy nhu cầu kinh doanh khai thác hè phố có thu phí dịch vụ ẩm thực trước các công trình khách sạn, cơ sở kinh doanh dọc trục đường Nguyễn Huệ rất lớn.

Do đó, UBND Quận 1 đề xuất UBND TP xem xét chấp thuận việc tổ chức thí điểm cho các khách sạn, nhà hàng, các cơ sở kinh doanh ăn uống trên tuyến đường Nguyễn Huệ được phép kinh doanh giải khát, thức ăn nhanh trên hè phố.  

Thời gian thực hiện thí điểm từ ngày 15/12 nhằm phục vụ nhu cầu của người dân và du khách dịp Tết Dương lịch 2024.

Tại kỳ họp thứ 11, HĐND TP.HCM khóa X đã thông qua nghị quyết về mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TP sẽ chính thức thu phí từ ngày 1/1/2024.

Theo đó, TP.HCM chia thành 5 khu vực, trong đó khu vực quận 1, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận, khu A khu đô thị mới Nam thành phố và khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ thu phí cao nhất 50.000 đồng/m²/tháng (không phải khu trung tâm) và 100.000 đồng/m²/tháng (tuyến đường trung tâm) cho các hoạt động kinh doanh, mua bán… (trừ hoạt động đỗ xe và trông giữ xe).

Riêng sử dụng vỉa hè, lòng đường để trông giữ xe sẽ chịu mức phí 350.000 đồng/m²/tháng đối với tuyến đường trung tâm và 180.000 đồng/m²/tháng cho các tuyến còn lại.

Nếu số ngày sử dụng lòng đường, hè phố dưới 15 ngày trong một tháng thì tính nửa tháng. Nếu số ngày sử dụng lòng đường, hè phố từ 15 ngày trở lên trong một tháng thì tính một tháng.

Sở GTVT sẽ tổ chức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường đối với các tuyến đường do Sở này quản lý; UBND cấp huyện tổ chức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố đối với các tuyến đường do UBND cấp huyện quản lý.

Toàn bộ số tiền phí thu được nộp vào ngân sách và được sử dụng có mục tiêu phục vụ hoạt động thu phí và công tác quản lý, bảo trì, khai thác lòng đường, hè phố.