Sở GTVT TP.HCM vừa trình UBND TP.HCM xem xét dự thảo về Đề án và dự thảo về Nghị quyết ban hành mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố.
Sở GTVT TP đề xuất các trường hợp được phép sử dụng tạm lòng đường và nộp phí gồm điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa; điểm bố trí các công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng có thu tiền người sử dụng và lắp đặt các công trình tạm trên hè phố, dải phân cách, đảo giao thông; điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng phục vụ thi công công trình.
Mức phí được đề xuất áp dụng dựa trên giá đất bình quân tại 5 khu vực.
Các tuyến ở trung tâm cao hơn ngoại thành. Trong đó, mức thấp nhất cho hoạt động giữ xe là 50.000 đồng, cao nhất 350.000 đồng/m2 mỗi tháng. Các hoạt động khác áp dụng 20.000-100.000 đồng/m2.
Nếu số ngày sử dụng lòng đường, hè phố dưới 15 sẽ tính thuê nửa tháng, từ 15 ngày trở lên tính một tháng.
Dự kiến mỗi năm, nguồn thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè hơn 1.500 tỷ đồng sẽ được nộp vào ngân sách để duy tu, bảo trì lòng đường, hè phố.
Thời gian bắt đầu thu phí dự kiến từ 1/1/2024. Trong đó, Sở GTVT sẽ đảm nhận thu phí những tuyến cơ quan này quản lý. Các đường thuộc quản lý của quận, huyện sẽ do địa phương thực hiện. Toàn bộ số tiền phí thu được nộp vào ngân sách và được sử dụng phục vụ cho hoạt động thu phí và công tác quản lý, bảo trì, khai thác lòng đường, hè phố.
TP sẽ thực hiện niêm yết công khai bảng phí tại địa điểm thu và công khai trên trang thông tin điện tử của các đơn vị được giao nhiệm vụ thu phí về tên phí, mức thu, phương thức thu và các văn bản quy định thu phí.
Theo đại diện Sở GTVT TP.HCM, nguyên tắc lòng đường, hè phố phải được ưu tiên cho mục đích giao thông.
Trường hợp sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố cho các trường hợp nêu trên phải bảo đảm không gây mất trật tự an toàn giao thông; phần hè phố còn lại dành cho người đi bộ tối thiểu từ 1,5 mét; phần lòng đường còn lại đủ bố trí tối thiểu 2 làn xe ô tô cho một chiều lưu thông; phải được phân định cụ thể với phần dành cho giao thông; phù hợp công năng và kết cấu chịu lực của lòng đường, hè phố; và phải được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép hoặc chấp thuận.
“Việc áp dụng cho các trường hợp được sử dụng tạm lòng đường, hè phố và đóng phí sẽ được giải quyết theo từng trường hợp cụ thể, tuy theo từng tuyến đường khu vực chứ không phải ban hành để tận thu, thu phí hàng loạt. Mức thu như thế nào sẽ căn cứ vào mức phí được ban hành để áp dụng theo nguyên tắc rà soát từng tuyến đường, vị trí có nhu cầu, có người đăng ký, có người đề xuất”, đại diện Sở GTVT TP nhấn mạnh.
Mạng lưới đường bộ trên địa bàn TP.HCM đang khai thác với tổng chiều dài gần 5.000km với 5 tuyến quốc lộ, 10 tuyến đường tỉnh; 457 tuyến đường huyện; 3180 tuyến đường xã; 1.286 tuyến đường đô thị; 308 đường chuyên dùng; 733 tuyến các loại đường nông thôn khác.