Xe máy làm gia tăng lượng khí thải phát sinh
Dự thảo Luật Đường bộ đang được Bộ GTVT lấy ý kiến có nhiều điểm mới đáng chú ý. Trong đó có quy định: "Xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông phải được kiểm tra định kỳ về phát thải khí thải theo lộ trình thực hiện và mức tiêu chuẩn khí thải do Thủ tướng Chính phủ quy định".
Theo Bộ GTVT, việc kiểm tra định kỳ khí thải xe mô tô, xe gắn máy (trừ xe mô tô, xe gắn máy thuần điện) được thực hiện tại các trạm kiểm tra khí thải xe mô tô, xe gắn máy đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành.
Lý giải việc đề xuất quy định này, Bộ GTVT cho hay, báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2016, phát thải khí thải từ xe cơ giới được nhận định là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường. Trong đó, xe mô tô, xe gắn máy là nguồn phát thải chất ô nhiễm lớn nhất.
Thống kê của Bộ GTVT cho thấy, tính đến cuối năm 2021, cả nước có hơn 68 triệu mô tô. Riêng tại Hà Nội có khoảng 6 triệu xe máy, trong đó, có gần 3 triệu xe máy cũ sản xuất trước năm 2000.
Theo tính toán của dự án “nghiên cứu thực trạng phát thải của xe máy đang lưu hành hướng tới kiểm soát khí thải, góp phần cải thiện môi trường không khí”, người sử dụng xe thực hiện chế độ bảo dưỡng định kỳ theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất có thể kiểm soát tốt lượng khí thải, giảm mức tiêu hao nhiên liệu của xe 7%, tương đương với lượng nhiên liệu tiết kiệm được là 170.632 đồng mỗi năm (tính theo giá xăng tháng 11/2018).
Dù vậy, Luật Đường bộ năm 2008 vẫn chưa có quy định về kiểm soát khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy.
Theo Bộ GTVT, nếu Luật Đường bộ sửa đổi vẫn không quy định việc kiểm soát khí thải với mô tô, xe máy sẽ làm gia tăng lượng khí thải phát sinh, gây ô nhiễm không khí, môi trường đặc biệt tại các đô thị lớn. Mặt khác, không khuyến khích được người dân, doanh nghiệp sử dụng các phương tiện giao thông công nghệ mới, giao thông đa tính năng, giảm thải ô nhiễm môi trường…
Vì vậy, Bộ GTVT đề xuất quy định áp dụng lộ trình kiểm soát khí thải trong Luật Đường bộ.
Nên thí điểm trước khi đưa vào luật thực thi
Trao đổi về nội dung này, TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông đô thị cho rằng, việc đưa quy định kiểm soát khí thải đối với xe máy đang sử dụng vào dự án Luật Đường bộ là phù hợp.
Việc Bộ GTVT cần làm đó là đưa ra cách thức tổ chức thực hiện làm sao không gây phiền phức cho người dân, phải đưa ra tiêu chí cụ thể. Trong đó, phải xem phương tiện nào cần kiểm định, phương tiện nào không...
Chuyên gia cũng kiến giải, cơ quan chức năng chỉ nên thực hiện kiểm định đối với phương tiện xe máy cũ nát, có thời gian sử dụng lâu, nhả khói đen...
“Điều này đồng nghĩa không buộc toàn bộ xe máy đang lưu hành thực hiện kiểm định khí thải định kỳ. Vì hiện nay Hà Nội có trên 7,7 triệu xe máy, TP.HCM khoảng 9 triệu xe, nếu kiểm tra hết là không phù hợp”, ông Thuỷ nhận định.
Ông Thuỷ cũng nhấn mạnh, việc kiểm định phương tiện cần đặt trong bối cảnh của từng địa phương, không thể đưa ra một quy định chung bắt cả nước thực hiện.
Theo đó, chỉ nên kiểm tra ở những thành phố có mật độ dân cư cao. Chẳng hạn, thành phố có dân số 300.000 – 500.000 dân trở lên mới thực hiện chính sách trên.
Trái ngược với ý kiến của ông Thuỷ, một chủ cơ sở bảo dưỡng xe máy cho rằng để xác định phương tiện nào thuộc diện phải đăng kiểm định kỳ là việc rất khó. Bởi có những phương tiện đã sử dụng trên 20 năm nhưng khi đến xưởng bộ lọc không khí rất tốt, xe chạy êm, máy vẫn tốt.
Nhưng cũng có những phương tiện dù mới sử dụng khoảng trên dưới 10 năm khói bô đã nhả khói đen xì. Do đó, thợ sửa xe máy này cho rằng nên triển khai thí điểm vấn đề này trước khi đưa vào luật thì sẽ hợp lý và tạo sự đồng thuận của người dân hơn.