- “Ô nhiễm không khí ở đô thị do giao thông gây ra chiếm tỉ lệ khoảng 60-70%. Tại các thành phố lớn, phương tiện cơ giới đường bộ quá đông là tác nhân chính gây ra ô nhiễm không khí”.

Ông Nguyễn Hoàng Đức, Trưởng phòng kiểm soát không khí và nhập khẩu phế liệu (Tổng cục Môi trường - Bộ TN&MT) cho biết trước tiền Hội thảo “Cải thiện chất lượng không khí và giao thông đô thị: Cơ hội trao đổi kinh nghiệm và triển vọng hợp tác” vào chiều 19/3.

Tắc đường và… ô nhiễm

Theo ông Đức, chất lượng không khí của các đô thị Việt Nam đang suy giảm, nhiều nơi vấn đề ô nhiễm môi trường đã ở mức báo động. Tại các thành phố lớn, phương tiện cơ giới đường bộ quá đông là tác nhân chính gây ra ô nhiễm không khí.

Ô nhiễm không khí ở đô thị do giao thông gây ra chiếm tỉ lệ khoảng 60-70%. Trong khi đó, các nguồn thải khí từ hoạt động sản xuất công nghiệp, hoạt động khai thác khoáng sản, hoạt động xây dựng, khí thải do các ngành… chỉ chiếm một tỉ lệ tương đối về khí thải gây ô nhiễm không khí đô thị.

Điều này cho thấy, ô nhiễm giao thông hiện nay đang là một trong những tác nhân lớn nhất có ảnh hưởng đến không khí đô thị”, ông Đứccho biết.

Theo ông Đức, hiện ở Việt Nam việc quản lý ô nhiễm nước, chất rắn đã có các khung pháp lý xử phạt, tuy nhiên việc quản lý chất lượng không khí vẫn còn thiếu hụt.


 
Phương tiện cá nhân - “Thủ phạm” chính gây ô nhiễm đô thị

Các chuyên gia đều nhận định, quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ tại các đô thị lớn của Việt Nam, đặc biệt là tại các thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Môi trường, ô nhiễm tại Hà Nội đã vượt quy chuẩn cho phép chủ yếu là hàm lượng bụi cao hơn 1-2 lần tiêu chuẩn.

Đặc biệt, tại các công trình xây dựng, mức độ ô nhiễm không khí cao hơn gấp 5 - 6 lần quy chuẩn cho phép.

Phát biểu tại hội thảo, ông MarcCagnard, Giám đốc cơ quan Thương mại Ubifrance cho rằng, ô nhiễm không khí không nhìn thấy được nhưng lại có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người.

"Nguồn gây ô nhiễm không khí chủ yếu là phương tiện giao thông cá nhân như: ôtô, xe máy. Thành phố nào có tỷ lệ sử dụng phương tiện công cộng thấp nhất châu Á?

Rất tiếc đó chính là Hà Nội, với 4 triệu phương tiện cá nhân, nguyên nhân chính của việc thường xuyên tắc đường và ô nhiễm nghiêm trọng trong thành phố", ông Marc Cagnard đánh giá.

Ông Marc Cagnard đưa ra dẫn chứng như hệ số phát thải bụi trong không khí (PM10) đã gấp đôi mức cho phép, giao thông đường bộ Hà Nội chính là nguồn gốc của hầu hết lượng oxyde azote trong thành phố,

Phát triển phương tiện công cộng để giảm ô nhiễm

Ông Bernard Favre, Giám đốc Quốc tế doanh nghiệp chuyên về phần mềm và hệ thống mô phỏng chất lượng không khí (ARIA Technologies) phân tích: Các đô thị cần phải xem việc phát triển phương tiện vận chuyển công cộng như là trọng tâm để giảm nguy cơ tắc nghẽn và ô nhiễm giao thông đồng thời tiến hành hạn chế phương tiện cá nhân, thu phí môi trường phương tiện.

"Ngoài ra, ở các đô thị cũng phải ứng dụng tối đa hệ thống mạng lưới giao thông đa phương tiện đã được tiến hành bằng cách nghiên cứu quãng đường đi để từ đó có thể đưa ra phương tiện nào sử dụng thích hợp nhất nhằm giảm tải và hạn chế xe trong thành phố", ông Bernard Favre chỉ dẫn.

Bà Phan Quỳnh Như, Tổng thư ký mạng lưới không khí sạch tại Việt Nam thuộc tổ chức Sáng kiến Không khí sạch Châu Á (CAI-Asia) bổ sung, mạng lưới các trạm đo đạc ô nhiễm không khí, mô hình cải thiện giao thông ở đô thị phải được điều tra, khảo sát kỹ.

Tuy nhiên, bà Như cũng thừa nhận, dữ liệu đầu vào cần phải chính xác nhưng ở nước ta vẫn còn yếu và thiếu. Thậm chí, cơ quan có dữ liệu về ô nhiễm không khí lại vẫn chưa chịu chia sẻ thông tin.

Đồng tình quan điểm này, ông Đức cho rằng, sự phối hợp giữa các bộ, ngành có sự phân chia xé lẻ, chưa có sự nhất quán trong việc kiểm soát ô nhiễm không khí trong giao thông đô thị.

Để cải thiện môi trường không khí, các chuyên gia đều hiến kế, đô thị cần chú trọng phát triển bền vững song hành với xây dựng hoàn thiện mạng lưới giao thông công cộng.

Vũ Điệp