- Đó là câu chuyện lòng người bị tổn thương. Xã hội chưa bao giờ kinh tởm trước cái ác như thế. Chỉ hi vọng, vụ án mạng 6 người vừa được xét xử là đỉnh điểm tột cùng của tội ác...
Sự tổn thương sau tội ác
Bản án đã tuyên với 2 án tử hình và 1 án tù có thời hạn cho ba bị cáo gây ra thảm án giết 6 người trong một gia đình. Tạm khép lại một vụ án kinh hoàng, gây rúng động dư luận trong suốt nhiều tháng qua. Nhưng nỗi đau, thảm kịch còn dai dẳng với nhiều người liên quan.
3 bị cáo khai chi tiết hành vi gây án trong phiên xử lưu động ngày 17/12. Ảnh: Đinh Quang Tuấn |
Cha mẹ của Nguyễn Hải Dương, Vũ Văn Tiến, Trần Đình Thoại không thể nào bỏ rơi những đứa con của mình, dù chúng lầm đường lạc lối và đầy ác tính. Thế nhưng, họ xuất hiện tại phiên tòa, hòa lẫn trong biển người dự khán. Thậm chí họ có thể che khẩu trang kín mặt, giấu vào trong những giọt nước mắt suốt phiên xử...
Họ hẳn không sợ đối diện với tội ác của con, dù sao tội ác đó cũng đã diễn ra từ nhiều tháng nay. Điều họ sợ chính là phải đối mặt với dư luận, sợ ống kính của truyền thông?
Còn nỗi đau của gia đình 6 nạn nhân có lẽ không thể nào tả nổi. Tất cả thân nhân của 6 nạn nhân xuất hiện ở phiên tòa hôm ấy đều chung nỗi đau. Mỗi lần, các bị cáo mô tả lại chi tiết hành vi gây án, có người trong gia đình nạn nhân gục xuống bàn và khóc. Cạnh đó là di ảnh 6 người xếp hàng ngay ngắn...
Cũng nên hiểu cho người em ruột của ông Mỹ (nạn nhân trong vụ án) đã bị kích động, cố lao về phía Dương khi bị cáo này xuất hiện...Một người đàn ông đủ mạnh mẽ, dù nỗi đau trải qua nhiều tháng nhưng khi kẻ thủ ác cướp đi mạng sống 6 người thân xuất hiện trước mặt mình thì đó là một hành động tất yếu, dễ cảm thông...
Cả nghìn người dự khán phiên tòa vụ giết người gây rúng động |
Có thể nói, từ khi xảy ra vụ án đến nay, lòng người trong xã hội bị tổn thương sâu sắc. Điều gì đang xảy ra? Tại sao con người dễ dàng tước đi mạng sống của đồng loại chỉ từ những nguyên nhân nhỏ nhặt?Không ai hiểu được và chẳng có một chuyên gia tâm lý hay chuyên gia tội phạm học nào có thể lý giải nổi.
Sự tổn thương lan rộng trong xã hội. Đi đâu cũng nghe về vụ giết 6 người ở Bình Phước, thảm sát ở Nghệ An, giết người hàng loạt ở Yên Bái...
Đừng “nhân bản” tội ác
Trong phiên xử Nguyễn Hải Dương và đồng phạm, khi hành vi tội ác được mô tả lại, bên dưới phía người dự khán đã có những lời xì xào: "Sao ác vậy, còn tính người nữa hay không? quá nhẫn tâm....". Nhiều người dân cách ngàn km, tìm về Chơn Thành để...xem cái ác, tận mắt thấy những kẻ giết người man rợ và tin tưởng tòa sẽ có phán quyết thích đáng.
Nguyễn Hải Dương – chủ mưu trong vụ án gây rúng động xã hội |
Nhưng liệu những phiên tòa lưu động như vụ thảm án giết 6 người Bình Phước có tốt cho việc răn đe, ngăn ngừa cái ác phát sinh trong xã hội hay không?
Trong phát biểu nhận định về tội ác các bị cáo trong phiên xử, ông Lê Đức Xuân – Viện trưởng Viện KSND Bình Phước, giữ quyền công tố đã đề cập đến những bất cập của truyền thông, báo chí qua việc truyền tải những tin, bài liên quan đến vụ án, mô tả quá chi tiết vụ án, đào sâu những lời khai tội ác...có thể dẫn sự phản tác dụng trong việc tuyên truyền.
Một phiên tòa lưu động mà báo chí thỏa sức trực tiếp. Những lời khai của các bị can đầy chi tiết như: bịt miệng các nạn nhân như thế nào? dùng dao đâm ra sao? được truyền tải chi tiết, không bỏ sót...đến hàng triệu người cả nước qua sóng truyền hình trực tiếp, các trang báo mạng, trang thông tin điện tử, mạng xã hội. Liệu như thế có tác dụng tốt cho răn đe, giáo dục trong xã hội?
Chưa hẳn tốt mà có thể là ngược lại. Nỗi đau các gia đình nạn nhân lẫn của người thân các bị cáo được khơi gợi, đẩy lên cao trào, trước sự truyền tải của truyền thông. Người thân của bị cáo ngoài hứng chịu đau đớn do người nhà phạm tội ác tày trời, bị pháp luật trừng trị; họ còn phải hứng chịu một bản án khác của dư luận xã hội, do truyền thông mang đến.
Nhưng quan trọng, những chi tiết của tội ác được truyền tải đầy chi tiết, cặn kẻ. Vô tình sẽ gây nên sự kích thích, đánh thức ác tính còn ngủ yên trong nhiều người. Cái ác dễ dàng được tiếp nhận đến nhiều người qua lời kể, hành vi gây án của các sát thủ, qua mô tả của báo chí...Đến lúc người tiếp nhận trở nên quen thuộc với thông tin về cái ác, “lờn thuốc” không còn thấy cái ác là ghê sợ, kinh tởm...Như thế mầm ác có thể dễ tiếp tục...phát sinh, nhân bản.
Bà Bùi Thị Thảo (70 tuổi), đạp xe chục km để đến xe phiên xử tội ác |
Khi chi tiết hành vi tội ác, cái ác được nói đến nhiều, được truyền tải một cách rộng rãi; mà biện pháp phòng ngừa, răn đe chưa được đánh giá, nghiên cứu tương xứng thì không mấy khó hiểu khi cái ác lan rộng trong xã hội.
Ở phiên tòa xử vụ giết 6 người, người viết gặp bà Bùi Thị Thảo (70 tuổi) đạp xe gần chục km đến xem xử án. Bà nói “tôi sống từng này tuổi rồi, giờ mới thấy người ta đoạt mạng người khác ghê sợ như thế này”.
Bà Thảo cũng như nhiều người đến xem phiên tòa hôm ấy nói rằng, sẽ không cho con cháu đến nghe nội dung xử 3 bị cáo giết người. Họ sợ rằng các cháu...nghe và tiếp nhận những thông tin tội ác không mấy tốt đẹp, ảnh hưởng nặng nề về tâm lý.
Đêm sau tội ác của vụ giết 6 người rúng động ở Bình Phước là sự tổn thương của lòng người, tấn công vào những giá trị đạo đức xã hội. Nhưng sau đêm tội ác đó là gì? đừng để cái ác lan rộng, phải có những biện pháp giáo dục, răn đe để giết chết những mầm ác trong mỗi con người.
Anh Sinh