Hỗn loạn trong lễ hội nói riêng, trong cuộc sống nói chung có phần rất lớn từ lối ứng xử của người Việt với nhau.

Gần 195.000 trường hợp đến khám cấp cứu. Trong đó, hơn 5.000 người phải nhập viện do đánh nhau, ngày cao nhất có 900 trường hợp và có 15 người tử vong. Đó là số liệu theo báo cáo nhanh của Bộ Y tế trong 07 ngày tết. Những con số khiến bất cứ ai cũng phải giật mình!

Từ hỗn chiến trong lễ hội

"Hỗn chiến" ở hội Gióng đầu xuân, cũng như tình trạng hỗn loạn trong lễ hội cướp phết cầu may (xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, mùng 7 tháng Giêng vừa qua) đã khiến nhiều người phải thốt lên: “Vì đâu nên nỗi?”.

Đánh nhau ở Việt Nam không còn là một hành vi lạ. Nhưng trong khuôn khổ của một lễ hội, vốn mang ý nghĩa nhân văn là xây đắp tính cố kết cộng đồng và cầu mong hạnh phúc, bình an cho người dân, thì việc để xảy ra tình trạng “hỗn chiến”, dù thế nào, cũng là khó chấp nhận.

Có rất nhiều câu hỏi được đưa ra chưa lời giải đáp thuyết phục, “Lỗi do ai?”, “Ai phải chịu trách nhiệm?”... Người cho rằng lỗi do khâu tổ chức còn yếu kém, người lại tìm nguyên nhân ở ý thức của người dân.

Nhưng có lẽ điều quan trọng hơn cần đặt câu hỏi là người dân khi đến với các lễ hội đã chuẩn bị một tâm lý và tinh thần như thế nào. Chắc chắn một điều, nếu chúng ta mang tâm thế “vui là chính”, “trẩy hội” thì sự cố hỗn chiến đã không xảy ra.

Phó Chủ tịch UBND Sóc Sơn phân tích hiện tượng trên bằng một phát ngôn gây sốc: “Lễ hội không tổ chức phát lộc cho người dân nên ai muốn có phải cướp. Xô xát là bình thường”. Có thể vị Phó Chủ tịch đã chỉ ra chính xác về nguyên nhân dẫn đến “hỗn chiến”, nhưng coi việc cướp lộc hay đánh nhau tại lễ hội là chuyện bình thường thì dường như… không bình thường.

Lễ hội là nơi quy tụ, thể hiện tinh thần đoàn kết của cộng đồng. Do đó, mọi nghi thức cũng như “bổng lộc” của lễ hội đều hướng tới cộng đồng, chứ không riêng bất cứ cá nhân hoặc tổ chức nào, kể cả quyền cao chức trọng đến đâu. Nhưng rất tiếc, nhiều người tham gia lễ hội với tâm thế rất cá nhân, ích kỷ. Do đó, khi lợi ích không được đáp ứng, tất có xung đột, tranh giành.

{keywords}

Hỗn chiến "bình thường" tại hội Gióng. Ảnh: News.zing.vn

… đến “hỗn chiến” trong đời thường

Trong giao thông, tiếng còi xe thể hiện sự nhắc nhở, nhưng ở VN, nó còn trở thành “công cụ đắc lực”. Đã có vô vàn những phàn nàn về tình trạng lạm dụng còi xe, nhưng nhiều lúc tôi thật thở phào nhẹ nhõm và thầm cảm ơn người đã phát minh ra nó, giúp tôi không gặp tình cảnh “bạo lực” ngôn ngữ, dù thay vào đó là… “bạo lực” tiếng ồn.

Giao thông ở Việt Nam có thể nói là tinh hoa của nghệ thuật hỗn loạn. Người người tham gia giao thông với phương châm “Đường ta, ta cứ đi”. Chính vì thế, cảnh tượng chen lấn, bộn bề, ầm ĩ, tắc nghẽn tại các nút giao thông vào giờ cao điểm đã trở nên “cơm bữa”.

Cách ứng xử khi tham gia giao thông soi tỏ cách ứng xử của người Việt trong cuộc sống. Vì đó là thời điểm chúng ta đụng chạm nhau nhiều, cả về lợi ích mỗi bên (người nào cũng muốn đi nhanh, cũng muốn giành đường để đi…).

Có thể nói, hỗn loạn trong lễ hội nói riêng, trong cuộc sống nói chung có phần rất lớn từ lối ứng xử của người Việt với nhau. Một khi tính cá nhân, lợi ích cá nhân được đặt lên trên, lấn át lợi ích cộng đồng, chắc chắn tình trạng hỗn loạn vẫn sẽ còn tiếp diễn.

{keywords}

Cảnh hỗn loạn khi tắc đường. Ảnh: Báo Lao động

Nhìn lại và thay đổi

Một số nhà nghiên cứu đã chỉ ra, “đặc trưng rõ nhất của văn hóa VN là vai trò cao của cộng đồng làng xã - đơn vị tế bào của xã hội Việt Nam”[1]. Khi đất nước đối đầu với giặc ngoại xâm, lòng tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết trong mỗi người được khơi dậy, tạo thành một thể thống nhất, một sức mạnh to lớn giúp đánh bật mọi khó khăn từ bên ngoài.

Tuy nhiên, khi kẻ thù lui bước, đất nước yên bình, người Việt dường như lại quay về với “lũy tre làng”, với văn hóa làng xã của mình. Mỗi làng đều có lũy tre, như một “biên giới hành chính”, với lệ riêng, mạnh đến nỗi “phép vua phải thua lệ làng”. Có thể nói, văn hóa làng xã chính là một căn nguyên quan trọng tạo nên mặt trái trong tính cách người Việt - tính cục bộ, tiểu nông, phương châm sống “ăn cây nào rào cây ấy”, v.v...

Một xã hội vững mạnh cần nền móng kỷ cương, pháp luật chặt chẽ nghiêm minh. Và trong một nhà nước pháp quyền, thượng tôn pháp luật, sẽ là không phù hợp, là kéo lùi tiến bộ nếu các công dân vẫn giữ lối sống mang đậm màu sắc ích kỷ, cá nhân, bất chấp quy tắc.

Có lẽ đã đến lúc, người Việt cần tự xem xét lại văn hóa ứng xử của mình. Không thể biện minh hoặc tìm cách đổ lỗi cho các yếu tố bên ngoài mà lờ đi những hạn chế trong tính cách, văn hóa, ứng xử của bản thân và chấp nhận tiếp tục sống chung trong một xã hội lộn xộn, bon chen, vì mưu cầu cá nhân sẵn sàng đạp lên các quy tắc, lợi ích của cộng đồng.

Hữu Tri  

------