Tổng cục Thuế vừa yêu cầu các cục thuế khẩn trương tăng cường công tác quản lý, kiểm tra giám sát, thúc đẩy việc triển khai phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đối với hoạt động bán lẻ xăng dầu.

Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế tiếp tục đẩy mạnh và đa dạng hóa các biện pháp, giải pháp tuyên truyền đến người nộp thuế, các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu quy định pháp luật về hoá đơn, chứng từ và lợi ích của việc phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.

xang dau thanh tung 12.jpg
Ngày 1/7/2023 tại Hà Nội, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã triển khai phát hành hóa đơn điện tử ngay sau từng lần bán hàng 

Quyết liệt thúc đẩy các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn triển khai ngay các giải pháp thực hiện được việc phát hành hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng theo quy định.

Các cục thuế phải tổ chức trao đổi, làm việc với các đơn vị kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, doanh nghiệp cung cấp giải pháp để chia sẻ kinh nghiệm đã triển khai thành công việc phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng và thảo luận giải pháp hiệu quả cho doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu quản lý của cơ quan nhà nước về kinh doanh xăng dầu, quy định về hóa đơn, chứng từ.

"Giám sát chặt chẽ việc phát hành hóa đơn, sử dụng hóa đơn nói chung và hóa đơn đối với xuất bán xăng dầu nói riêng, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi phát hành, sử dụng hóa đơn, chứng từ không đúng quy định", Tổng cục Thuế yêu cầu.

Đáng chú ý, Tổng cục Thuế chỉ đạo xây dựng Kế hoạch triển khai chi tiết và giao nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể cho từng lãnh đạo cục thuế, lãnh đạo phòng, chi cục thuế và từng cán bộ quản lý quyết liệt thúc đẩy các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh xăng dầu thực hiện hành hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng theo quy định; Gắn trách nhiệm thực hiện kiểm tra, giám sát thực hiện phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đối với hoạt động bán lẻ xăng dầu tại từng cửa hàng xăng dầu với việc bình xét thi đua.

Lãnh đạo Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cho rằng cần nhìn rõ những góc khuất để thấy vì sao cơ quan quản lý đưa ra các giải pháp trên. Góc khuất được nhắc đến ở đây là vẫn còn nguồn xăng dầu trôi nổi. Chủ yếu nguồn này được thâm nhập vào bằng đường biển, từ các tàu chở hàng trăm m3 xăng dầu. Lượng xăng dầu nhập lậu giúp doanh nghiệp thu lợi khoảng 30-40% so với giá bán của các doanh nghiệp chính thống.

"Điều này làm méo mó thị trường, tạo cạnh tranh không lành mạnh", lãnh đạo Hiệp hội xăng dầu nói và cho rằng để quản lý được góc khuất này, bắt buộc phải xuất hoá đơn cho mỗi lần xăng dầu bán ra.

Song, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tư nhân lại có quan điểm khác. 

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Hải Âu Phát (Lâm Đồng) cho rằng, việc này sẽ gây lãng phí rất lớn vì chỉ có tài xế có nhu cầu lấy hóa đơn mang về cho doanh nghiệp khấu trừ chi phí. Trong khi hầu hết người dân cho biết không có nhu cầu lấy hóa đơn và sẽ mất thời gian chờ đợi.

Theo tính toán của ông Thắng, mỗi một hóa đơn phát hành, doanh nghiệp bán lẻ phải mua với giá 400-500 đồng. Tức là doanh nghiệp sẽ chịu thêm ngưỡng tiền này, trong bối cảnh chiết khấu bán hàng tiếp tục ở ngưỡng 300-400 đồng/lít xăng dầu. "Đó là chưa kể ở vùng xa, người dân thu nhập thấp mỗi lần mua xăng chỉ có 20.000 đồng. Chưa đến 1 lít mà phải xuất 1 hóa đơn có giá trị đến khoảng 500 đồng thì xem như doanh nghiệp lỗ trắng", ông Thắng nói.