Liên quan đến những thông tin tố cáo cho rằng có việc giảng viên nâng điểm thi hay sinh viên được ký tốt nghiệp ra trường nhưng chưa đủ tiêu chuẩn, sáng 11/7, VietNamNet đã liên hệ làm việc với đại diện Trường ĐH Điện lực để làm rõ vấn đề.
Giảng viên Trường ĐH Điện lực bị tố nâng điểm thi cho các sinh viên. Ảnh: Thanh Hùng |
Ông Trương Huy Hoàng, Hiệu trưởng Trường ĐH Điện lực cho biết, gần đây trường nhận được một số đơn thư phản ánh việc có sai phạm trong việc thực hiện các quy định trong công tác giảng dạy, tổ chức thi và chấm thi kết thúc học phần tại các khoa: Điều khiển và Tự động hóa; Công nghệ năng lượng.
Cuối tháng 2/2019, nhà trường nhận được đơn thư mạo danh tập thể giảng viên khoa Điều khiển và Tự động hóa tố cáo các giảng viên Nguyễn Ngọc Khoát, Phạm Thị Thùy Linh và Nguyễn Thị Điệp có vi phạm trong công tác chấm thi.
Ngày 4/3, nhà trường đã ra quyết định thành lập tổ rà soát công tác chấm thi đối với Khoa Điều khiển và Tự động hóa. Theo đó, rà soát toàn bộ khâu chấm thi không chỉ học kỳ đó mà trong cả năm học trước.
“Trong chấm thi cũng có trường hợp chấm vênh điểm trong phạm vi cho phép thì có thể chấp nhận được, nhưng nếu sai lệch quá thì đó là vấn đề không thể chấp nhận”.
Ông Hoàng cho hay, nhà trường đã thành lập các tổ rà soát khách quan căn cứ vào các hồ sơ, tài liệu, phỏng vấn; qua đó phát hiện có những dấu hiệu nên hiện nhà trường đang cho tiến hành kiểm điểm đối với các cá nhân có dấu hiệu sai phạm.
“Chúng tôi đã có kết quả rà soát và ở đâu có dấu hiệu vi phạm thì đều đã được tiến hành xử lý. Chúng tôi đã yêu cầu các cá nhân liên quan làm bản kiểm điểm. Nếu có dấu hiệu khẳng định có vi phạm thì sẽ tiến hành các bước tiếp theo là thành lập các hội đồng xem xét kỷ luật.
Tuy nhiên khi được hỏi về số lượng, ông Hoàng cho hay bản thân không nhớ chính xác bao nhiêu bài thi có dấu hiệu như vậy.
Việc rà soát diễn ra từ đầu tháng 3 song đến nay là tháng 7 vẫn đang trong quá trình cho các giảng viên kiểm điểm.
“Còn xem nguyên nhân như thế nào, để cho người ta làm bản kiểm điểm. Qua đó giải thích nguyên nhân xem như thế nào, do sơ suất hay cố ý. Nếu như cố ý thì phải xử lý”, ông Hoàng giải thích. “Rà soát cả khoa với tất cả các giảng viên của khoa và tất cả các bài thi của sinh viên từ 1 năm trước. Quá trình rà soát này rất công phu và mất thời gian”.
Ông Hoàng cho biết, trường sẽ cố gắng xử lý trong thời gian sớm nhất.
“Vừa phải căn cứ vào các hồ sơ, tài liệu minh chứng nhưng cũng phải căn cứ vào các giải trình. Nhưng làm sao để đúng người, đúng tội. Quan trọng là còn để cho họ biết nếu sai thì mình sai ở đâu để không để lặp lại”.
Trường ĐH Điện lực đang cho kiểm điểm các giảng viên có dấu hiệu sai phạm liên quan chấm thi. Ảnh: Thanh Hùng |
Riêng với các cán bộ quản lý, ông Hoàng cho biết bản thân ông đã chủ trì 3 cuộc họp kiểm điểm đối với 3 cán bộ gồm 2 người là trưởng và phó Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng và người còn lại là Trường khoa Điều khiển và Tự động hóa.
Theo ông Hoàng, quy trình làm sẽ rất chặt chẽ và khi nào có kết luận kỷ luật, nhà trường sẽ công bố công khai. “Quan điểm của tôi là nếu sai thì sẽ bị xử lý và không bao che bất kỳ ai”, ông Hoàng nói.
“Tôi được cái gì mà phải làm liều!”
Phủ nhận những tố cáo bản thân mình ký cấp bằng tốt nghiệp cho sinh viên khi chưa đủ tiêu chuẩn, ông Hoàng nói: “Tôi khẳng định tất cả các trường hợp được cấp bằng đều đảm bảo ngưỡng chất lượng của Bộ GD-ĐT. Những thông tin đưa trên một số báo hiện nay là không đúng”.
Theo ông Hoàng, quá trình xét tốt nghiệp cho sinh viên được nhà trường thực hiện theo một quy trình nghiêm ngặt. Trong các đợt xét tốt nghiệp, trước khi cấp bằng nhà trường đều thành lập tổ rà soát để thẩm tra các điều kiện tốt nghiệp cho từng sinh viên.
Cùng đó, phôi bằng tốt nghiệp cũng được quản lý một cách chặt chẽ và tuân thủ các quy định của Bộ GD-ĐT. Do đó, nhà trường đảm bảo rằng toàn bộ sinh viên được cấp bằng tốt nghiệp của nhà trường tuân thủ chất lượng đầu ra theo quy định hiện hành của Bộ.
Ông Hoàng khẳng định, tất cả các bằng tốt nghiệp của trường đều đảm bảo chất lượng.
Theo ông Hoàng, khi xét tốt nghiệp ra trường sinh viên phải đảm bảo 3 điều kiện: Thứ nhất phải đã trúng tuyển vào trường; thứ hai là đã hoàn thành đủ chương trình học và thứ ba là đã hoàn thành đủ học phí.
“Không có trường hợp nào mà không có giấy báo trúng tuyển mà lại vào trường tốt nghiệp được. Làm thế là làm liều và tôi được cái gì mà phải làm như vậy”, ông Hoàng nói.
Thanh Hùng
Giảng viên báo chí bị "nhà báo quốc tế” qua mặt ra sao?
"Nhà báo quốc tế" Lê Hoàng Anh Tuấn đã lấy bìa của tạp chí, photo rồi ghép với bài của các giảng viên và nói với họ rằng tạp chí đã đăng tải. Các giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng nhầm tưởng là thật.