Phát biểu tại buổi lễ, GS Lê Quân, Giám đốc ĐHQGHN, cho hay, sau 30 năm phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, ĐHQGHN đã đạt được nhiều thành tựu và đang nỗ lực để thích ứng trong bối cảnh mới. Đặc biệt qua thực tiễn, mô hình ĐHQG đã khẳng định được tính ưu việt của mô hình đại học đa ngành, đa lĩnh vực, hoạt động theo cơ chế tự chủ.
Mô hình này giúp cho các ĐHQG thử nghiệm những chủ trương mới, quy định mới, giúp ích lớn cho sự phát triển của giáo dục đại học nước nhà. Trên cơ sở thử nghiệm của các ĐHQG, nhiều quy định áp dụng dành riêng cho ĐHQG được mở rộng cho tất cả các trường ĐH khác ở Việt Nam như: tự chủ tuyển sinh, in bằng, ký bằng tiến sĩ, thạc sĩ…
Để ghi nhận những thành tích xuất sắc của ĐHQGHN, nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày Chính phủ ban hành Nghị định về ĐHQGHN và 117 năm truyền thống, Chủ tịch nước đã quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho đại học này.
Tại lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho ĐHQGHN.
Trong khuôn khổ lễ kỷ niệm, lãnh đạo ĐHQGHN cũng trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển ĐHQGHN” cho 148 cá nhân nhằm ghi nhận và tri ân các cá nhân trong và ngoài ĐHQGHN có những thành tích, đóng góp xuất sắc, góp phần xây dựng và phát triển ĐHQGHN trong 30 năm qua.
ĐHQGHN được phát triển dựa trên 2 trường đại học lớn của Hà Nội là Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội và Trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội.
Qua 30 năm xây dựng và phát triển, hiện, ĐHQGHN có hơn 5.000 cán bộ. Trong đó, tổng số cán bộ khoa học là 2.739 người; 66 giáo sư, 490 phó giáo sư, gần 1.700 tiến sĩ và tiến sĩ khoa học. Hiện nay, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ của ĐHQGHN đạt tỉ lệ 62% (cao hơn gấp 2 lần tỉ lệ trung bình của cả nước); tỷ lệ giáo sư/phó giáo sư cao gấp 5 lần trung bình cả nước.
Đến thời điểm hiện tại, ĐHQGHN đã cơ bản hoàn chỉnh cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực với 37 đơn vị, gồm: Cơ quan ĐHQGHN; 9 trường đại học, 5 viện nghiên cứu khoa học do Thủ tướng Chính phủ thành lập; 2 trường, 2 khoa và 1 viện nghiên cứu trực thuộc; 2 trung tâm đào tạo và nghiên cứu; 15 đơn vị phục vụ, dịch vụ.
ĐHQGHN đang triển khai 190 chương trình đào tạo bậc đại học, 198 chương trình đào tạo bậc thạc sĩ, 118 chương trình đào tạo bậc tiến sĩ.
Đến nay, quy mô đào tạo của ĐHQGHN là 71.000 người học, trong đó có khoảng 55.000 sinh viên đại học chính quy, 5.000 học viên cao học, hơn 1.000 nghiên cứu sinh, 1.000 sinh viên quốc tế và hơn 10.000 học sinh trung học phổ thông. Từ năm 1993 đến nay, có khoảng 280.000 người tốt nghiệp từ ĐHQGHN, trong đó có 230.000 cử nhân, 43.000 thạc sĩ và gần 3.000 tiến sĩ. Đặc biệt, hơn 60% nghiên cứu sinh của ĐHQGHN là các giảng viên đến từ các trường đại học, các viện nghiên cứu trong cả nước.
Năm 2023, 8 lĩnh vực của ĐHQGHN vào nhóm 1.000 trong bảng xếp hạng THE trong 10 lĩnh vực được xếp hạng của thế giới, đứng trong nhóm 401-600 các trường đại học thế giới theo tiêu chí của bảng xếp hạng THE Impact Rankings trong đó chỉ số Chất lượng Giáo dục đạt vị trí 70 thế giới (thứ 5 Đông Nam Á và thứ 1 ở Việt Nam). Các nhà khoa học của ĐHQGHN trong một số lĩnh vực cũng được quốc tế đánh giá xếp hạng vào top những nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới và hàng đầu của Việt Nam.