- Điểm nhận hồ sơ xét tuyển vào ĐHQG TP.HCM lớn hơn hoặc bằng ngưỡng điểm do trường xét tuyển quy định cho từng nhóm ngành/ngành. Ngưỡng điểm sẽ được quy định căn cứ trên ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng do Bộ quy định.

Theo đó, điều kiện nhận hồ sơ xét tuyển như sau:

Bậc ĐH yêu cầu thí sinh có trung bình cộng các điểm trung bình ba năm học (lớp 10, lớp 11 và lớp 12) từ 6,5 trở lên. Bậc CĐ yêu cầu thí sinh có trung bình cộng các điểm trung bình ba năm học (lớp 10, lớp 11 và lớp 12) từ 6,0 trở lên.

Có điểm thi THPT năm 2016 tại các cụm thi do trường ĐH chủ trì lớn hơn hoặc bằng ngưỡng điểm do trường xét tuyển quy định cho từng nhóm ngành/ngành. Ngưỡng điểm sẽ được quy định căn cứ trên ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng do Bộ quy định cũng như căn cứ trên phổ điểm thực tế của kỳ thi năm 2016.

Phía ĐHQG TP.HCM cũng cho biết, năm nay sẽ đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác nhận đăng ký và xét tuyển.

Thống nhất đăng ký và xét tuyển theo nhóm trường/khoa trực thuộc ĐHQG TP.HCM, đảm bảo quyền tự chủ của đơn vị và quản lý thông tin thống nhất trong hệ thống. Các đơn vị có thông tin về thí sinh xét tuyển trong toàn ĐHQG TP.HCM, thông qua đó có phương án gọi trúng tuyển phù hợp, giúp giảm tỷ lệ “ảo”.

Thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào ngành/nhóm ngành vào các trường/khoa trực thuộc ĐHQG TP.HCM theo qui chế tuyển sinh hiện hành. 

Căn cứ trên dữ liệu đăng ký xét tuyển của đơn vị, hội đồng tuyển sinh của các đơn vị chủ động thực hiện xét tuyển, công bố điểm chuẩn và danh sách thí sinh trúng tuyển, nhập học trong thời gian qui định.

Ngoài ra, năm 2016, ĐHQG TP.HCM tuyển sinh căn cứ trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia và quá trình học tập THPT của thí sinh. 10% chỉ tiêu được dành để ưu tiên xét tuyển học sinh giỏi từ các trường chuyên, năng khiếu trên toàn quốc. 

Cũng từ năm học này, các đối tượng ưu tiên xét tuyển được mở rộng với 82 trường chuyên, năng khiếu trên toàn quốc thay vì 5 trường như năm 2015.


Lê Huyền