Ngày 16/3, bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Ngọc Tuấn, Phó trưởng Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết bệnh nhân là bà N.T.L (74 tuổi). Gia đình cho biết bà tự cắt cổ tay trái.

Đến viện, bà L. mệt mỏi nhiều, da niêm mạc nhợt, thể trạng gầy, huyết áp tụt sâu chỉ còn (60/40mmHg), nhịp thở nhanh, bão hòa oxy trong máu (SpO2) tụt xuống 90%.

Vết thương mặt trước cổ tay bị đứt lìa có kích thước 6x2 cm, đứt toàn bộ động mạch trụ, động mạch quay, thần kinh giữa, thần kinh trụ, đứt toàn bộ gân gấp nông sau các ngón từ 1 đến 5.

"Trong lĩnh vực chấn thương, những vết thương này được coi như đứt lìa cổ tay trái. Bệnh nhân có nguy cơ phải cắt cụt bàn tay rất cao nếu không được nối động mạch trụ động mạch quay trong 6 giờ đầu", bác sĩ Tuấn cho biết.

Sau 2 giờ hồi sức tích cực, bệnh nhân được hội chẩn, thống nhất chuyển mổ cấp cứu. Ca mổ kéo dài trong 4 giờ đồng hồ. Sau mổ bệnh nhân được hồi sức tích cực, điều trị, chăm sóc và phục hồi chức năng. Sau một tuần điều trị, vết thương cổ tay trái khô liền tốt, vận động được, có cảm giác, đầu chi hồng ấm.

Cuối tuần trước, bệnh nhân đến viện kiểm tra sau 1 tháng ra viện. Bác sĩ Tuấn cho biết vết mổ bệnh nhân khô, vận động cảm giác gấp duỗi các ngón tay trái tốt.

Bác sĩ kiểm tra vết mổ cho bệnh nhân sau 1 tháng phẫu thuật nối chi thể. Ảnh: BVCC

Sơ cứu, bảo quản chi thể đứt rời đúng cách 

Theo các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nếu chi thể được bảo quản đúng cách thời gian lý tưởng để nối chi thể bị đứt rời là 6 giờ, tính từ lúc bị đứt đến lúc khôi phục được tuần hoàn cho phần chi thể đứt rời.

Để bảo quản chi thể bị đứt rời đúng cách, người thực hiện cấp cứu cần vệ sinh tay bằng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn, đi găng tay y tế hoặc găng tay sạch, tránh tiếp xúc trực tiếp tay với phần chi thể đứt rời.

Với bệnh nhân, cần rửa vết thương bằng nước sạch hoặc dung dịch nước muối sinh lý; sau đó băng kín vết thương bằng vải sạch hoặc gạc vô trùng.

Đối với tai nạn đứt lìa ngón tay, chỉ cần băng ép lên vết thương là đủ. Nếu đứt lìa bàn tay, bàn chân, cần làm thêm garô để tránh chảy máu.

Với phần chi đứt lìa, cầm nắm nhẹ, rửa sạch bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý. Không được rửa bằng xà phòng hoặc hóa chất; bọc kín bằng gạc hoặc vải sạch (không bọc quá dày) quanh phần đứt lìa rồi cho vào túi ni lông mỏng, buộc kín miệng túi để nước không thể thấm vào; đặt túi vào thùng đá lạnh, thau chứa đá lạnh, hoặc đơn giản nhất là cho vào trong một túi nhựa khác có chứa đá lạnh. 

Nếu bộ phận cơ thể chưa đứt lìa hoàn toàn mà vẫn còn dính lại trên da, không nên cắt rời, kể cả trường hợp gần như đứt hoàn toàn. Thay vào đó, nên dùng dùng gạc băng lại, đặt túi đá bên cạnh để giữ nhiệt, tránh đặt đá trực tiếp lên vết thương. Sau đó, chuyển nhanh bệnh nhân đến cơ sở y tế.