Vừa qua, nhiều nhà nghiên cứu cũng đã đi sâu nghiên cứu về đời sống tín ngưỡng dân gian ở nhiều địa phương, có nhiều yếu tố, nội dung liên quan đến phiên chợ Âm dương, một số cứ liệu dân gian, tài liệu lịch sử liên quan đến phiên chợ Âm dương.
Theo các tài liệu sử sách để lại, chợ Âm Dương có từ năm Nhâm Dần 43 sau Công nguyên và chỉ được họp phiên duy nhất vào đêm mùng 4 và kết thúc vào rạng sáng ngày mùng 5 Tháng Giêng. Với ý nghĩa chợ họp là cơ hội để người đã mất và người sống được gặp lại nhau. Từ đó, sinh ra chợ Âm dương.
Chợ Âm Dương làng Ó họp vào lúc "lên đèn" trên một bãi đất trống, cạnh một ngôi miếu có tiếng linh thiêng trong vùng. |
Chợ Âm Dương làng Ó
Với người dân làng Ó, chợ Âm Dương chẳng khác một lễ hội cầu mùa ở các địa phương khác, bởi nó mang đậm nét văn hóa dân gian vùng Kinh Bắc và đã tồn tại cách đây gần ngàn năm.
Chợ họp ở địa phận làng Ó, xã Võ Cường, Bắc Ninh (nay là khu Xuân Ổ, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh). Theo quan niệm của người dân trong vùng, chợ họp là cơ hội hiếm có cho người chết và người sống được gặp nhau.
Chợ bắt đầu họp vào lúc "lên đèn" trên một bãi đất trống, cạnh một ngôi miếu có tiếng linh thiêng trong vùng. Đây là chợ mà không có lều quán, không sử dụng đèn nến để thắp sáng.
Nhiều người đi chợ thường mang theo một con gà đen được chăm sóc cẩn thận trước đó để làm vật tế thần. Tuy không có lều quán nhưng trong chợ cũng có nhiều hàng mã, hương, nến, cau, trầu...
Chợ không phải là nơi mua may bán rủi như nhiều chợ nơi khác. Trong chợ người mua không ai mặc cả, người bán không đếm lại tiền người mua trả. Trong bóng đêm chỉ thấy bóng người đi lại và tiếng thì thào to nhỏ. Người ta hầu như không quan tâm nhiều đến việc "mua may bán rủi" như ở một số chợ khác. Chợ họp là dịp để người cõi trần gặp người cõi âm.
Ở đầu chợ, người ta đặt một chậu nước để thử tiền âm hay tiền dương. Nếu đồng tiền đó nổi lên thì là tiền người âm còn chìm xuống là tiền của người dương. Sáng hôm sau, có người xem trong túi đựng tiền của mình chỉ toàn là vỏ hến, lá dong... thậm chí có cả mẩu yếm sồi.
Chợ tan khi còn đêm. Sau khi tan chợ, những người đi chợ lại mời nhau uống nước ăn trầu và hát quan họ Bắc Ninh.
Những ai đi chợ đều vui vẻ, thoải mái, họ quan niệm rằng đó là dịp làm phúc, làm điều thiện với người đã chết. Cuộc sống tâm linh của họ sẽ thanh thản hơn.
Đây là một hình thức sinh hoạt văn hóa mang đậm màu sắc tín ngưỡng dân gian rất đặc trưng của vùng Kinh Bắc. Người ta quan niệm rằng, có như vậy thì việc làm ăn hay mùa vụ năm đó mới được thuận lợi.
Chợ Âm Dương bây giờ tuy vẫn không có lều quán, không đèn nến, vẫn tiếng thì thào trong đêm nhưng trong chợ đã có bán đủ thứ hàng vải vóc, khăn quàng cổ, khăn tay, bít tất, cặp tóc, hoa quả và vẫn có đủ đồ cúng tế cho người âm... Con cháu đến chợ đã không bắt buộc phải mua cho được gà đen, mà gà mái thường, đẹp, cũng được đem bán. Các trai tráng trong làng không phải giã gạo thâu đêm mà gạo ngon đã được xay xát sẵn để dành từ vụ mùa. Duy chỉ có việc chuẩn bị cỗ đón khách là không thể thiếu.
Phục dựng phiên chợ Âm dương
Ủy ban Nhân dân thành phố Bắc Ninh đã có ý tưởng về việc phục dựng Phiên chợ Âm dương trong lễ hội ở khu Xuân Ổ, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh.
Hôm 23/11, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Bắc Ninh (Bắc Ninh) phối hợp Viện Sử học, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học "Phiên chợ âm dương - Giá trị lịch sử văn hóa".
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Nhuệ, Phó Viện trưởng Viện Sử học cho biết theo truyền ngôn từ gần 2.000 năm trước, trên địa bàn Ma Ổ trang hay còn gọi là làng Ó (khu Xuân Ổ, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh ngày nay) đã hình thành một lễ hội đặc biệt. Đó là phiên chợ âm - dương, diễn ra vào mùng 4, mùng 5 tháng Giêng hàng năm.
Thạc sỹ Nguyễn Hữu Mạo (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh) cho rằng việc phục dựng chợ nên gắn với nghiên cứu khôi phục các hoạt động như hội chợ, vào đám, rước kiệu, hát quan họ theo truyền thống và tục lệ trước đây của địa phương. Việc thiết kế không gian phục dựng phiên chợ phù hợp với không gian cảnh quan ở khu vực gắn với quy hoạch chung đô thị cũng như hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa đình, đền chùa của địa phương.
Nguyễn Liên
Ảnh: Bạt Tuấn