Đi chợ này không phải cò kè, không lo “chặt chém”, ép giá ngay cả thời điểm cận Tết.

Chợ chiều 5 ngàn đồng được dựng ngay ở trung tâm huyện Tây Giang thuộc thôn A Grồng, xã A Tiêng. Gọi là chợ chiều, nhưng khoảng 12 giờ trưa, dòng người từ trên núi mới bắt đầu đổ về.

{keywords}
Phiên chợ độc đáo, bày bán nhiều nông phẩm, đặc sản của núi rừng

Ði chợ không trả giá

Hầu hết “thương lái” ở đây đều là người đồng bào dân tộc Cơ Tu sống ở xã A Tiêng, Lăng và các xã lân cận. Mặt hàng bày bán chủ yếu là các loại rau rừng, củ sắn, lá sắn, măng khô, măng tươi, tiêu, ớt rừng, mật ong... Có người chở cả cam rừng từ xã biên giới Ch’Ơm, Tr’Hy xuống bán. Ban đầu chỉ người xung quanh họp bán trao đổi với nhau nhưng dần dà chợ đông đúc hơn, nhiều người dưới phố cũng lên mua với hy vọng được ăn đồ sạch.

Cụ bà Hối Thị Gưm (thôn Agrồng, xã A Tiêng, huyện Tây Giang) thủng thẳng gùi chuối và rau rừng đến chợ. Gùi hàng chỉ vẻn vẹn 1 buồng chuối, 1 bọc nhỏ măng rừng và vài mớ rau dớn. Rau 5 ngàn đồng/bó, chuối 10 ngàn đồng/nải, mớ măng 20 ngàn. Cụ không nhớ tuổi mình, và cũng không nhớ hết mặt các tờ tiền. Có ai hỏi mua hàng thì cô gái ngồi bên giúp bà. Thế nhưng trong hầu hết các phiên chợ không ngày nào cụ vắng, ít nhiều cũng bòn hái ở vườn đem vài mớ rau đến bán.

Ngồi cạnh cụ Gưm là Alăng Thị Nghinh. Nghinh năm nay 21 tuổi, đã nghỉ học lúc mới hết lớp 10. Nghinh nói cũng thích đi học lắm nhưng mẹ bảo học vậy đủ rồi, phải phụ mẹ kiếm tiền cho các em học nữa. Sau Nghinh còn có 5 đứa em, ba Nghinh đã mất non chục năm nay.

Gian hàng của Nghinh có rau, chuối và ớt rừng. Một người hàng xóm có mớ tiêu rừng cũng gửi Nghinh bán giùm. Họp chợ, nhưng không hề có tiếng chao chát, trả giá. Gần như giá đã được “niêm yết”, khách đi chợ cứ thế trả tiền và lấy hàng.

“Ở chợ này giá bán thế nào ai cũng biết. Khách đến mua quen rồi cứ thế trả tiền, chẳng bao giờ phải cò kè thêm bớt. Người đồng bào không biết nói dối, khách không cần bớt giá đâu” - Nghinh nói.

Thương hiệu xứ núi

Zơrâm Thị Nhon (37 tuổi, ở thôn A Rớ, xã Lăng) khệ nệ bê gùi hàng từ trên xe xuống bày bán. Chị nói ráng làm xong việc rẫy mới chạy về để đi chợ nên bị trễ. Trên đường về chị cũng mua gom thêm được ít thơm (dứa gai), sắn củ và lá sắn để bán. Chị Nhon cho biết, đã tham gia phiên chợ 6 tháng nay. Chị cũng như hầu hết mọi người ở đây hay tập trung bán ở chợ trước Trường Mầm non Họa My. Sau này được chuyển sang chợ mới, việc buôn bán của chị thuận lợi hơn nhiều. “Họp chợ ở đây không lo lộn xộn, tắc đường cũng chẳng lo mưa nắng vì có mái tôn lợp. Khách khứa cũng trở nên đông hơn, nhiều người dưới xuôi còn đặt gửi hàng bằng xe xuống dưới đó nữa” - chị Nhon bảo.

{keywords}
Cụ bà Hối Thị Gưm gùi mớ rau rừng, chuối nhà trồng được bán tại chợ

Chị Nguyễn Thị Quyên (45 tuổi, ở TP Tam Kỳ, Quảng Nam) chất đầy chiếc xe máy với đủ loại nào rau, nào măng, nào chuối. Vợ chồng ở Tam Kỳ nhưng mỗi khi lên thăm người anh ở trên này chị đều ghé chợ để mua đồ. “Ở đây toàn đồ sạch, chuối chín tự nhiên, rau không bị phun thuốc nên tôi hay mua trữ cho nhà, và mua cho cả mấy chị em dưới phố luôn” - chị nói.

Ông A Lăng Tối, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tây Giang cho biết, trước đây bà con buôn bán theo kiểu tự phát ở nhiều địa điểm khác nhau. Tuy nhiên, sau này do nhu cầu buôn bán ngày càng nhiều của bà con, Phòng đã tham mưu chọn vị trí, mặt bằng thuận lợi để xây chợ, nhằm khuyến khích bà con tiếp cận dần với nghề mới, tăng thu nhập. Huyện đã trích 200 triệu đồng từ nguồn xúc tiến thương mại - du lịch huyện để đầu tư làm chợ. Nền chợ được đổ bê tông, mái vòm lợp tôn, khung sắt kiên cố, đủ chỗ cho khoảng 50 hộ buôn bán.

Các mặt hàng đặc sản địa phương được bán tại chợ này như củ đẳng sâm, ba kích, mật ong, nấm lim xanh, nấm ngọc cẩu và các mặt hàng thủ công như các loại áo, quần truyền thống Cơ Tu, gùi, các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp truyền thống của địa phương như mây, tre, đan lát, cuốc, rựa… do chính bà con làm.

Theo lãnh đạo huyện Tây Giang, huyện và Chi cục Thuế huyện thống nhất không thu thuế buôn bán của bà con, tạo mọi điều kiện tốt nhất để bà con làm ăn.

“Chợ chiều 5 ngàn đồng ra đời khiến nhiều người tò mò và dần trở thành một nơi đến đặc biệt của Tây Giang, thu hút khách du lịch, kích thích ngành dịch vụ phát triển. Hơn nữa, chính từ đây cũng thay đổi tư duy của người đồng bào Cơ Tu từ thói quen chỉ biết làm nương rẫy, tự cung tự cấp, tập dần với việc buôn bán, đem thu nhập cao và khuyến khích người dân làm giàu...”, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tây Giang A Lăng Tối 

(Theo Tiền phong)