- Làm sao để cân bằng, hài hòa giữa phát triển du lịch và gìn giữ di sản văn hóa luôn là mối quan tâm hàng đầu của những người làm du lịch.

Hiên nay, việc phát triển du lịch ồ ạt đã tạo ra những thách thức đối với phát triển bền vững nói chung cũng như việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản nói riêng. Nhiều chuyên gia đã lên tiếng tại hội thảo “Du lịch có trách nhiệm và Di sản văn hóa” trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế VITM được tổ chức chiều qua, (3/4)

Di sản văn hóa - đừng đánh mất bản sắc của mình

Theo TS Dương Bích Hạnh, Trưởng ban Văn hóa thuộc Văn phòng UNESCO tại Hà Nội thì, “Việt Nam hiện có 8 khu di sản văn hóa, thiên nhiên được UNESCO công nhận. Một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy du lịch trong chiến lược của quốc gia nói chung và chiến lược của các tỉnh, các doanh nghiệp du lịch nói riêng, đó là việc phát triển du lịch dựa vào những di sản này thường được tận dụng”.

Tuy nhiên, bà Dương Bích Hạnh cũng cho rằng, việc phát triển du lịch tại những khu di sản nếu không cẩn trọng, có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, mà một trong số đó là cộng đồng địa phương sẽ đánh mất bản sắc văn hóa của mình.

{keywords}

Nhiều loại hình du lịch mới đang được đưa vào khai thác

Theo bà Hạnh, rất nhiều di sản trước đây là của cộng đồng địa phương, nhưng khi mở rộng ra, dưới áp lực của du lịch, người dân sẽ thay đổi những hành vi, tập quán, hình ảnh của mình để cho phù hợp với thị hiếu của khách du lịch, từ đó dẫn đến mất bản sắc của di sản.

Không nói đâu xa, Vịnh Hạ Long không ít lần bị UNESCO “tuýt còi” bởi những bất cập trong quản lý, bảo vệ di sản, từ xả chất thải, tràn dầu… cho đến những dự án “san đồi, lấn biển”. Cũng là di sản thế giới, Phố cổ Hội An và quần thể khu di tích Mỹ Sơn lại đối mặt với những vấn đề do lượng khách du lịch tập trung quá đông tại vùng di sản. Các chuyên gia đã tính đến phương án đẩy mạnh phát triển dịch vụ “du lịch vệ tinh”, nhằm “kéo” bớt du khách ra khỏi khu di sản. Nếu không có những biện pháp kịp thời, sức ép cho các vùng di sản sẽ càng trở nên trầm trọng và tổn hại về giá trị văn hóa, môi trường là không thể tránh khỏi.

“Có một thực tế là khi một danh thắng trở thành di sản thế giới thì sẽ dẫn đến lượng du khách tăng lên rất đông và nhanh. Điều này đặt ra thách thức rất lớn đối với quốc gia thành viên cũng như đối với các địa phương nơi có các di sản, là làm thế nào để có thể cân bằng được việc phát triển du lịch, phát triển kinh tế đối với việc bảo tồn các di sản này. Bởi vì nếu phát triển du lịch làm ảnh hưởng đến những giá trị toàn cầu của di sản, thì khi đó UNESCO phải xem xét đưa di sản này vào danh sách khuyến nghị bảo tồn”, Bà Hạnh nói.

Đặt lên hàng đầu vấn đề bảo tồn di sản

Tham gia hội thảo, các đại biểu cho rằng, các di sản văn hóa đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch.. Tổ chức Du lịch Thế giới đã ước tính 37% du lịch toàn cầu xuất phát từ động lực mong muốn tìm hiểu văn hóa. Mối liên hệ quan trọng giữa xã hội và di sản văn hóa được thể hiện rõ nét trong du lịch di sản văn hóa.

Theo bà Hạnh, khách du lịch di sản - văn hóa đi thăm nhiều nơi hơn gấp 2 lần những khách du lịch khác, ở lại mỗi nơi lâu hơn 2,5 lần và họ cũng chi tiêu nhiều hơn. Đây cũng là điều mà chúng ta muốn hướng đến trong chiến lược phát triển du lịch. Tuy nhiên, vấn đề bảo tồn di sản phải được đặt lên hàng đầu. Nếu các doanh nghiệp chỉ chú trọng vào khai thác mà không bảo tồn thì chỉ sau 5, 10 năm di sản sẽ kiệt quệ, không còn gì để khai thác nữa.

{keywords}

Chuyên gia phát triển Ngành của Dự án EU-ESRT, ông Kai Partale, cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải kết nối chặt chẽ công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với các nguyên tắc và hoạt động Du lịch có trách nhiệm. Du lịch có trách nhiệm là khám phá vẻ đẹp tự nhiên và di sản văn hóa đồng thời không để lại những tác hại tiêu cực lên các điểm di sản.

“Cần tiếp thị các sự kiện văn hóa nổi bật của Việt Nam đồng thời lồng ghép những lời khuyên hữu ích dành cho du khách khi tham gia các sự kiện này”, ông Kai nói.

Ông Kai cũng cho rằng: “Để các di sản văn hóa hấp dẫn khách du lịch thì cần phải xây dựng các tuyến du lịch theo chủ đề, mang đậm tính văn hóa, tăng cường thông tin cho du khách, đặc biệt là các công cụ thông tin trực tuyến”.

Ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Du lịch, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch khẳng định: “Du lịch có trách nhiệm sẽ là con đường đạt tới phát triển du lịch bền vững. Nhưng để làm được điều đó, không chỉ cơ quan Nhà nước phải quan tâm đến việc tăng cường chính sách hỗ trợ cho nguồn lực bảo vệ văn hóa, môi trường, mà các cơ quan có trách nhiệm trong việc bảo tồn di sản văn hóa và các cơ quan xúc tiến, phát triển du lịch cũng phải hợp tác, đồng thuận mạnh mẽ. Đồng thời, du khách cũng cần nêu cao ý thức để “du lịch có trách nhiệm” như phản xạ có trong mỗi người, góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia lâu dài và bền vững”.

Hạnh Thúy