- "Trong suốt mấy ngày đó tôi cứ thấp thỏm không yên vì lòng muốn đi mà tiền chưa có, phải chờ lấy lương mới có tiền làm lộ phí".
Đi xe đò từ miền Tây ra tiễn Đại tướng
Sáng 13/10, giờ khắc cuối cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở thủ đô. Không ai bảo ai, ngay từ sáng sớm đã có hàng vạn người dân từ khắp nơi đổ dồn về dọc các con phố nơi linh cữu Đại tướng sẽ đi qua.
Từ 6h30, hàng ngàn sinh viên tình nguyện xếp hàng dài từ Cầu Giấy lên hết Kim Mã, tạo thành vòng vây khép chặt, ngăn dòng người đưa viếng tràn xuống lòng đường.
Các em học sinh trường TSCS Thăng Long có mặt từ sớm, nâng niu di ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp |
Các em học sinh trường THCS Thăng Long cũng có mặt từ sớm, ngồi ngay ngắn, trật tự trên vỉa hè, tay nâng niu tấm di ảnh lớn của Đại tướng.
Trong biển người ấy, có một đôi vợ chồng trẻ ngồi thẫn thờ trên manh áo khoác mỏng trải trên vỉa hè, khóe mắt rưng rưng ngấn lệ. Thấy PV lại gần, chị vợ vội gạt nước mắt, kéo thấp mũ xuống và quay mặt đi...
Gương mặt hằn lên sự mệt mỏi lẫn tiếc thương, anh Đỗ Văn Trọng (35 tuổi) cho biết, vợ chồng anh bắt xe đò ra An Giang ra Hà Nội đêm 7/10, nhưng phải tới sớm 10/10 xe mới đến bến xe Giáp Bát (Hà Nội).
"Ngay khi nghe tin Đại tướng mất, tôi bủn rủn như người mất hồn. Ngay thời khắc ấy, chỉ muốn làm sao đi thật nhanh ra Hà Nội để gặp Người lần cuối. Trong suốt mấy ngày đó tôi cứ thấp thỏm không yên vì lòng muốn đi mà tiền chưa có, phải chờ lấy lương mới có tiền làm lộ phí".
Vợ chồng anh Trọng đáp xe đò từ An Giang ra Hà Nội để tiễn biệt Đại tướng. |
Anh Trọng kể, 2 vợ chồng bắt xe đò ra Hà Nội hết hơn 2 triệu đồng, số tiền đó gần bằng cả tháng lương bốc vác của anh tại chợ Long Xuyên (An Giang).
Ra thủ đô, vợ chồng anh phải thuê nhà nghỉ gần bến xe Giáp Bát ngủ lại. 2 hôm liên tiếp, vợ chồng anh đi xếp hàng vào viếng nhưng chưa vào được.
"Vợ chồng tôi ra ngoài này không thông thạo đường sá, cứ phải vừa đi vừa dò hỏi. Biết tin linh cữu Đại tướng sẽ đi qua Kim Mã, sớm nay chúng tôi phải dậy bắt xe bus từ 5h để tới đây".
Dù chưa từng được gặp Đại tướng, song trong tâm khảm anh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị tướng huyền thoại mà nếu chỉ dùng từ ngưỡng mộ thôi thì chưa đủ.
"Tôi không có may mắn được gặp trực tiếp Đại tướng, nhưng từ bé đã thường xuyên được nghe nội kể về Đại tướng. Tình cảm ấy cứ lớn dần, hối thúc tôi phải ra tiễn biệt Người", anh Trọng xúc động nói.
Anh cho biết, chưa ước lượng được quãng đường tới sân bay Nội Bài bao xa, nhưng vợ chồng anh sẽ tiễn Đại tướng đến đoạn đường cuối cùng.
Trong sáng cùng ngày, cũng có rất đông những gia đình từ các tỉnh lân cận bắt xe xuống Hà Nội để đưa tiễn Đại tướng, có người còn bồng bế cả con nhỏ mới vài tháng tuổi.
Nhiều công nhân xây dựng, công nhân vệ sinh mặt mày vẫn còn lấm lem bụi đất cũng ngừng tay, đứng sát vỉa hè chờ linh cữu Đại tướng đi qua để cúi chào tiễn biệt.
Xót thương và hụt hẫng
Lượng người dồn về các tuyến phố mỗi lúc một đông, ken cứng 2 bên đường. Chốc chốc lại có ai đó thốt lên "Xe Đại tướng sắp đến rồi", biển người lại ào lên.
Khi linh cữu đi qua, không ai cầm được nước mắt, người vẫy tay, người cúi rạp khóc nức nở, ánh mắt dõi theo đoàn xe như níu kéo. Nỗi đau ấy nghẹn ứ ở cổ, nhói trong tim...
Vừa đi vừa giảng giải cho cậu con trai nhỏ mới 5 tuổi về những công lao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chị Trần Thu Thủy (Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội) giọng đầy tiếc nuối: "Đoàn xe đi nhanh quá, mọi người chỉ vừa kịp giơ tay chào mà đã vụt qua. Ai cũng ngẩn ngơ, tiếc nuối như vừa vụt mất thứ giá trị nhất của đời mình. Giá như có thể nhìn thấy Đại tướng lâu hơn, dù chỉ là một chút...".
Cụ Giang tin tưởng rằng Đại tướng sẽ sống mãi trong lòng nhân dân |
May mắn công tác tại Đoàn Thể thao quân đội (Thể công cũ - PV) tại địa chỉ 19 Hoàng Diệu - ngay đối diện số nhà 30 nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh sống, cụ Bùi Huy Giang (77 tuổi) có cơ hội được gặp Đại tướng nhiều lần.
Cụ kể, hầu hết các buổi chiều, Đại tướng đều sang bơi. Khi cơ quan có lễ kỷ niệm, Đại tướng đều sang dự, lần nào cũng có phát biểu, chỉ đạo.
"Công lao của Đại tướng thì nhiều lắm, không sao kể hết được. Đại tướng không chỉ có tài thao lược, mà còn là một người của đạo đức, của nhân cách, của đức hy sinh, của lòng bao dung đến kẻ thù cũng phải khuất phục, nể trọng.
Cụ sống gần gũi lắm, bình dị lắm, chu đáo lắm, không bao giờ có sự phân biệt. Đấy là đức tính của một người lãnh đạo - Anh Cả của lực lượng vũ trang nhân dân", cụ Giang nghẹn ngào nói.
Rút khăn tay từ túi để chấm nước mắt, cụ Giang kể tiếp, từ khi hay tin Đại tướng nằm điều trị tại viện 108, hàng tháng cụ đều vào thăm. "Dù không được trực tiếp gặp, nắm tay Đại tướng, nhưng chỉ cần nhìn thấy Đại tướng là tôi cũng thấy an lòng".
"Với cảm xúc của một người lính, một người dân, thật không có gì có thể nói hết được những tình cảm của mình đối với Đại tướng. Bia đá, bảng vàng có thể mòn, nhưng sự tôn vinh của lòng dân là vĩnh cữu, tôn vinh ấy cũng là tôn vinh đẹp nhất", cụ Giang tin tưởng nói.
Cũng có mặt từ rất sớm trong dòng người tiễn biệt Đại tướng, ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, cụ Lâm (73 tuổi, phố Liễu Giai) cho rằng: "Chúng tôi đã sống vắt qua 2 thể kỷ, từng chứng kiến không biết bao nhiêu thăng trầm của lịch sử. Song đến nay, chúng tôi chỉ thấy có 2 người, một là Bác Hồ - vị Cha già của dân tộc và hai là Đại tướng Võ Nguyên Giáp - anh Cả của quân đội mới khiến cả dân tộc từ Nam chí Bắc, bạn bè năm châu bốn bể tiếc thương như thế này.
Đây là lần thứ hai sau Bác Hồ và có thể sẽ không bao giờ có những đám tang như này nữa". Nếu trước đây là thương. Thương lắm, xót lắm! Thì giờ đây là tiếc. Mọi người cứ ngẩn ngơ đứng đó, không ai nói với ai mà chỉ biết cúi đầu lẳng lặng, nhích từng bước một, nghẹn ngào", cụ Lâm nói.
Cụ Lâm cho biết, sau khi hay tin Đại tương mất, cả nhà cụ bao gồm con, cháu đã xếp hàng đến 30 Hoàng Diệu và Nhà Tang lễ Quốc gia để kính viếng. Cụ và các con đều thờ Đại tướng trên bàn thờ tổ tiên.
Cụ Lâm cho rằng, có thể sẽ không bao giờ có những đám tang như này nữa |
Khi được hỏi có thể dùng một cụm từ nào đó để miêu tả về sự ra đi của Đại tướng, nghĩ một hồi lâu, cụ Lâm khẳng định chắc nịch: "Sự ra đi của Đại tướng vượt trên cả mất mát, đau thương.
Người ra đi nhưng sẽ sống mãi trong lòng dân, là Thánh tướng của muôn đời vì chỉ có Thánh người ta mới thờ, nhà nhà lập bàn thờ, cả nước lập bàn thờ. Tài năng và đức độ của Đại tướng khiến người dân kính phục và mến phục muôn phần".
Khi đoàn xe chở linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đi khuất, cụ Phạm Hữu Kim (80 tuổi) đạp xe đạp đuổi theo sau để kịp đưa Đại tướng lên máy bay. |
"Biết là sinh lão bệnh tử, không ai có thể đội trời đạp đất được mãi, nhưng dù Đại tướng có ra đi thì hình ảnh, công lao người vẫn sống mãi trong lòng dân muôn đời.
Thử hỏi trên thế giới này có Đại tướng nào sống tới 103 tuổi như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, có Đại tướng nào khiến cả dân tộc xót thương như thế! Sẽ chỉ có Đại tướng của nhân dân - Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà thôi!".
Thúy Hạnh