Chống dịch quyết liệt hơn

Tại hội nghị trực tuyến tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin chống dịch Covid-19 sáng 15/3, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, dù dịch đang diễn biến phức tạp nhưng tại Việt Nam có một số điểm khác khi hầu hết các ca mắc hiện nay đều do xâm nhập, sau đó lây lan cho cộng đồng nên xác định được rõ các bệnh nhân số 0. Đây là lợi thế giúp quản lý dễ dàng hơn các ca bệnh.

Tuy nhiên so với giai đoạn trước đây, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 đang có những thay đổi trong ứng phó để đáp ứng hiệu quả hơn với tình hình mới.

“Các biện pháp ứng phó trên tinh thần quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, triệt để hơn. Cái này rất quan trọng, thời gian qua có những tư tưởng, có những bài viết, cách trao đổi làm lung lay một số cán bộ nhưng tinh thần của Chính phủ, của Thủ tướng là phải thực hiện mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn”, Thứ trưởng Long cho hay.

{keywords}

Cán bộ y tế đang làm nhiệm vụ ở Sơn Lôi

Thứ nhất, đối với chiến lược phòng chống, quan điểm của Việt Nam là tiếp tục kiên trì, kiên định những chiến lược đã đề ra, nhưng có những thay đổi phù hợp hơn vì nếu không chặn được các ca bên ngoài vào Việt Nam, để lây lan trong cộng đồng thì khả năng đáp ứng của chúng ta sẽ hết sức khó khăn.

Từ ngày 14/3, Việt Nam đã áp dụng cách ly y tế tập trung đối với tất cả khách đến từ Schengen và Anh, bao gồm cả người Việt Nam. Từ hôm nay, tiếp tục tạm dừng miễn thị thực với khối Schengen và Anh, đang xem xét áp dụng với Mỹ.

“Nhờ áp dụng biện pháp nói trên, ngày hôm qua chúng ta đã phát hiện được một số hành khách dương tính với Covid-19 trên các chuyến bay vào Việt Nam. Nếu những ca đó vào Việt Nam thì có thể có những phức tạp như ca số 34”, Thứ trưởng Long nói.

Do đó, Ban chỉ đạo yêu cầu tất cả các cửa khẩu tiếp tục giám sát chặt chẽ, áp dụng khai báo y tế điện tử với tất cả các khách đến Việt Nam nhưng giờ phải đẩy lên mức độ cao hơn.

Quy mô khoanh vùng sẽ nhỏ hơn Sơn Lôi

Thứ hai, tiếp tục thực hiện việc cách ly, cách ly triệt để. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày hôm qua, đại diện WHO tại Việt Nam cho rằng, thành công nhất của Việt Nam là thực hiện cách ly, đã thực sự phát huy hiệu quả.

“Cách ly của chúng ta rất đặc biệt. Một số nước áp dụng cách ly tại nhà với người tiếp xúc gần nhưng chúng ta đưa đi cách ly tại cơ sở y tế”, Thứ trưởng Long dẫn chứng.

Thứ trưởng Y tế dẫn chứng, với người nhà bệnh nhân, lây chủ yếu qua tiếp xúc bề mặt nên phải thực hiện cách ly tập trung. Vừa rồi rất nhiều ca cách ly tập trung rồi mới phát hiện dương tính.

Tuy nhiên, hoạt động cách ly trong thời điểm hiện nay có nhiều điều chỉnh. Như tại Sơn Lôi từng áp dụng cách ly khu vực rất rộng nhưng hiện nay mức độ khoanh vùng nhỏ hơn để vừa đảm bảo đời sống cho người dân vừa phòng chống dịch bệnh.

Thứ 3, về điều trị cũng khác một số nước. Trong giai đoạn đầu, Việt Nam tập trung điều trị những ca bệnh dương tính ở tuyến cao sau đó đã phân xuống tất cả các tuyến.

Sắp tới, kể cả bệnh nhân dương tính, có triệu chứng lâm sàng, biểu hiện rất nhẹ cũng có thể điều trị ở tuyến xã.

“Quan điểm của chúng ta là không tập trung mà phân tán bệnh nhân xuống các tuyến, ưu tiên các ca nặng điều trị ở tuyến trên. Một số nước áp dụng các chính sách khác nhau, chúng ta không thể so sánh. Phác đồ của chúng ta cũng luôn thay đổi phù hợp với tiến bộ thế giới và kinh nghiệm các nước”, Thứ trưởng Y tế nhấn mạnh.

Thứ 4, Việt Nam thay đổi trong chiến lược phát hiện sớm. Tới đây sẽ mở rộng đối tượng xét nghiệm với tất cả khách nhập cảnh từ EU, Anh, Mỹ, song song với tờ khai y tế, kiểm tra thân nhiệt.

“Bắt đầu từ hôm nay, việc lấy mẫu xét nghiệm sẽ thực hiện ngay tại cửa khẩu với tất cả khách đến từ 3 khu vực trên. Xét nghiệm này là hoàn toàn miễn phí.”, Thứ trưởng Y tế thông tin.

Với các khách đã nhập cảnh vào Việt Nam trong 14 ngày qua, Ban chỉ đạo cũng đã yêu cầu các địa phương phối hợp, liên hệ các khách này để thực hiện khai báo y tế điện tử và lấy mẫu xét nghiệm. Làm càng nhanh, việc khoanh vùng, dập dịch càng hiệu quả.

Hiện nay, công suất xét nghiệm cũng được đẩy nhanh hơn, đảm bảo trả kết quả trong vòng 24 giờ, tới đây sẽ tiếp tục yêu cầu rút ngắn hơn.

Thứ 5, là những thay đổi nhờ khoa học công nghệ. Vừa qua, các đơn vị đã tham gia rất tích cực, lần đầu tiên, Bộ Y tế nhắn tin tới tất cả các người dân, điều nay chưa từng được áp dụng trong dịch SARS trước đây. Bộ Y tế cũng có những trang tin trên tinh thần cung cấp thông tin minh bạch, không giấu giếm.

“Sắp tới chúng ta tiếp tục tận dụng triệt để công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc các hành khách, quản lý các trường hợp tiếp xúc với trường hợp mắc bệnh. Trước đây, để kiểm soát các hành khách trên chuyến bay VN0054, cơ quan chức năng mất tới 4 ngày nhưng chuyến sau đó chỉ mất 2 ngày, giờ mất nửa ngày nhưng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị, phải phấn đấu rút xuống còn 30 phút”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ.

Cũng tận dụng lợi thế công nghệ thông tin, Ban chỉ đạo đã yêu cầu tất cả các sở du lịch, cơ sở lưu trú phải có QR code để thuận tiện cho các hành khách khai báo y tế.

Để chỉ đạo kịp thời, Ban chỉ đạo đã phát cho 700 sim điện thoại cho đầu mối tại 700 quận huyện trên cả nước để ngay khi có chỉ đạo, cùng lúc các địa phương đều nhận được để triển khai.

Tính đến ngày 15/3, Việt Nam đã có 53 trường hợp dương tính với Covid-19, riêng từ 6/3 đến nay có thêm 37 ca mắc mới.

Thúy Hạnh

Hành trình di chuyển của 2 bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại Hà Nội

Hành trình di chuyển của 2 bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại Hà Nội

- Trong vòng 3 ngày, bệnh nhân thứ 50 nhiễm Covid-19 di chuyển nhiều, đã tiếp xúc với nhiều người tại cơ quan.