Theo The Paper, dân mạng Trung Quốc đang chia sẻ thông tin về dịch vụ chửi thuê được rao bán trên sàn thương mại điện tử. Những mặt hàng như "Đại diễn cãi nhau", "Chửi thuê", "Thay mặt trả thù"... được bày bán công khai.
Với giá 28 nhân dân tệ, khách hàng sẽ mua được 15 phút "chửi thuê" thông qua hình thức nhắn tin.
Một người bán đến từ Tứ Xuyên cho biết người mua chỉ cần cung cấp tài khoản WeChat của "đối tượng", người chửi thuê sẽ nhắn tin chửi trong 10 phút, với giá 10 nhân dân tệ.
Để xác minh "cuộc cãi vã có thắng không, bên kia có tức giận hay không", khách hàng được "kiểm tra ảnh chụp màn hình".
Dịch vụ chửi thuê được rao bán công khai trên các sàn thương mại. |
Phóng viên đã tìm kiếm các từ khóa "chửi bới", "cãi vã" trên sàn thương mại điện tử. Kết quả, một số dịch vụ được gợi ý là "thay mặt chửi nhau", "đại diện cãi nhau".
Người bán quảng cáo rằng đây là dịch vụ "Chuyên nghiệp, văn minh, gõ chữ thủ công, đầy đủ, tư duy logic, tỉ mỉ". Dưới phần bình luận, nhiều người bày tỏ thích thú với dịch vụ mới lạ này.
Vượt quá lằn ranh pháp lý
Đây không phải lần đầu tiên xuất hiện "ăn vạ", "chửi thuê" trên mạng. Năm 2018, sàn thương mại Taobao từng phải xóa 8 loại sản phẩm kỳ lạ, vi phạm ranh giới pháp luật hoặc vi phạm đạo đức xã hội, bao gồm dịch vụ mắng chửi, xem lén tin nhắn...
Điều này khiến các dịch vụ mới được rao bán gần đây không được trực tiếp giao dịch trên sàn thương mại, khách hàng phải liên hệ qua WeChat hoặc QQ để biết thêm chi tiết.
Khi phóng viên hỏi "Có phải dịch vụ chửi thuê không?", một người bán đã gửi tin nhắn, nói rằng nếu muốn tham khảo dịch vụ về "chửi bới", phải đặt hàng qua WeChat.
Không chỉ sàn thương mại điện tử, tại các trang rao bán đồ cũ, người ta cũng có thể tìm thấy dịch vụ "chửi" và "cãi nhau chuyên nghiệp". Khác với trên sàn thương mại, ở trang mua bán đồ cũ, người bán quảng cáo thẳng rằng mình "chửi nhau rất chuyên nghiệp, phải chiến đấu để giành phần thắng".
Một người bán dịch vụ trên trang đồ cũ đã nói với phóng viên rằng sẽ tính phí trên thời gian chửi, không cần trả tiền nếu không chửi thắng và thậm chí bán dịch vụ chửi bằng tiếng địa phương.
Dựa trên một số bình luận, đối tượng khách hàng chọn để thuê "chửi hộ" là bạn trai cũ, bạn gái cũ, những kẻ cặn bã, có cả fan muốn thuê người chửi anti-fan giúp thần tượng của mình.
Khách hàng có thể đối mặt rủi ro pháp lý nếu thuê dịch vụ để xúc phạm người khác. |
Bên cạnh dịch vụ chửi thuê bằng tin nhắn, nhiều người rao bán cả hình thức chửi qua cuộc gọi điện thoại: "Khủng bố điện thoại và tin nhắn là 15 nhân dân tệ một giờ, 6 tiếng là 30 tệ, 60 tệ cho 24 giờ và 238 tệ cho một tuần".
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng việc thuê người quấy rối hoặc xúc phạm, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người khác có thể vượt quá "lằn ranh" trong quy định pháp luật.
Luật sư Zhang Yufeng, thành viên của ủy ban quản lý và giám đốc điều hành của Công ty Luật Beijing Zhongwen (Thượng Hải), cho biết: "Chửi mắng chuyên nghiệp không chỉ vi phạm đạo đức mà còn có nguy cơ vi phạm pháp luật. Nếu khách hàng 'ủy quyền' cãi nhau, bên nhận ủy thác có hành vi chửi bới, xúc phạm bên kia trong lúc cãi vã, có thể cấu thành tội dân sự. Nếu các tình huống nghiêm trọng hơn, khách hàng và người được ủy thác có thể cấu thành tội lăng mạ, kích động gây rối".
Theo luật của Trung Quốc, bất cứ ai gửi thông tin khiêu dâm, lăng mạ, đe dọa hoặc những thông tin khác để can thiệp vào cuộc sống bình thường của người khác sẽ bị giam giữ dưới 5 ngày hoặc bị phạt dưới 500 nhân dân tệ.
Ngoài ra, nếu nạn nhân đột ngột đổ bệnh, thậm chí tự tử hoặc tự gây thương tích do cuộc cãi vã, khách hàng và người bán dịch vụ này có thể bị nghi ngờ phạm tội. Sàn thương mại điện tử cũng không thể thoát khỏi liên đới. Chuyên gia cảnh báo người dân không nên mua bán dịch vụ này để tránh rủi ro pháp lý.
(Theo Zing)
Những người bén duyên với nghề độc, lạ: Dự hội thảo thuê
Dù là nghề tay trái, làm thêm nhưng nhiều bạn trẻ không theo lối truyền thống như bưng bê, phục vụ quán ăn, hàng nước… mà chọn cách vô cùng độc đáo để trải nghiệm và kiếm sống.