Dưới góc độ tổ chức dịch vụ pháp lý, với kinh nghiệm tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, các tổ chức dịch vụ pháp lý tham gia khảo sát về cơ bản tán thành với một số nhận định rằng, doanh nghiệp nhỏ và vừa thường chỉ sử dụng dịch vụ pháp lý bên ngoài khi doanh nghiệp không có bộ phận/cán bộ pháp chế (53.9% trên tổng số tổ chức dịch vụ pháp lý có ý kiến). Doanh nghiệp nhỏ và vừa thường không có đủ kinh phí để chi trả cho dịch vụ tư vấn pháp luật (51.2%). Đa số khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhu cầu tư vấn pháp luật khi rủi ro pháp lý đã xảy ra; ít doanh nghiệp chủ động tiếp cận dịch vụ tư vấn để phòng ngừa trước rủi ro pháp lý (63.5%).
Về cách thức doanh nghiệp tiếp cận tổ chức dịch vụ pháp lý, 71.6% đối tượng được khảo sát cho biết doanh nghiệp nhỏ và vừa thường biết đến và sử dụng dịch vụ pháp lý do được giới thiệu bởi cá nhân, tổ chức khác.
Liên quan đến hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, 38.6% tổ chức dịch vụ pháp lý tham gia khảo sát không biết đến Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; 54.2% chưa từng tham gia hoạt động nào của Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đánh giá về hiệu quả của các hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của các Bộ, ngành, địa phương hiện nay, đa số tổ chức dịch vụ pháp lý tham gia khảo sát đánh giá ở mức trung bình và khá hoặc không có thông tin.
Trong thời gian tới, dưới góc độ tổ chức dịch vụ pháp lý, phương hướng phát triển của các hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nên tập trung việc phát triển website của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành, Bộ Tư pháp; của các Bộ, ngành, địa phương; của các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp.
Về giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, các tổ chức dịch vụ pháp lý tham gia khảo sát đề xuất đẩy mạnh hoạt động truyền thông để doanh nghiệp biết đến Chương trình hỗ trợ pháp lý và các hoạt động của Chương trình (74.6%); xây dựng video bài giảng, phóng sự; tổ chức hội thảo, diễn đàn, tọa đàm) để dễ tiếp cận hơn với mặt bằng chung doanh nghiệp nhỏ và vừa (67.4%); phát triển hoạt động của mạng lưới tư vấn viên pháp luật (66.8%); đổi mới nội dung, hình thức của các hoạt động Chương trình đang thực hiện (phát sóng chương trình phát thanh, truyền hình; khảo sát định kỳ để liên tục cập nhật nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp nhỏ và vừa (62.7%); người làm công tác hỗ trợ pháp lý cần phải chủ động hơn trong việc tiếp cận doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được hỗ trợ (60.5%).