Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được tổ chức tại các bộ ngành, địa phương và qua hơn 10 năm triển khai, chương trình này đạt được những kết quả nhất định, nhiều mô hình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa hiệu quả.
Hiện nay toàn bộ các địa phương đã tổ chức thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo các nội dung được quy định tại Nghị định số 55/2019/NĐ-CP. Nhiều địa phương trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, đã có những mô hình hỗ trợ pháp lý sáng tạo, hiệu quả như: mô hình “Cà phê Doanh nhân - Doanh nghiệp” của tỉnh Đồng Tháp đã góp phần đưa tỉnh Đồng Tháp liên tục duy trì dẫn đầu về chỉ số thành phần “Tính năng động của lãnh đạo” trong nhiều năm qua;
Thông qua chương trình Cà phê Doanh nghiệp- Doanh nhân của tỉnh Kon Tum, lãnh đạo địa phương đã lắng nghe và thấy được khó khăn của nhiều công ty trên địa bàn tỉnh, thậm chí còn nhận ra những bất cập trong quy trình đấu thầu mỏ vật liệu xây dựng ở tỉnh để có hướng chỉ đạo xử lý tận gốc, quyết không để nhà đầu tư thiệt hại.
Đại diện Hội doanh nhân trẻ tỉnh Kon Tum cho biết, những buổi gặp gỡ giữa doanh nghiệp với lãnh đạo địa phương diễn ra đều đặn hàng tháng qua Chương trình Cà Phê Doanh nghiệp- Doanh nhân hoặc qua chương trình đối thoại với doanh nghiệp được tỉnh tổ chức 6 tháng một lần.
Đây một kênh thông tin hiệu quả để chính quyền kịp thời nắm bắt và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trên tinh thần cầu thị, không nể nang, không né tránh, quyết liệt với những khó khăn doanh nghiệp gặp phải. Đồng thời, tháo gỡ các điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong thẩm quyền của UBND tỉnh.
Thông qua các cuộc đối thoại và Chương trình Cà phê Doanh nghiệp- Doanh nhân, những vướng mắc đơn giản của doanh nghiệp được lãnh đạo tỉnh Kon Tum tháo gỡ ngay tại chỗ. Những vấn đề phức tạp liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành lãnh đạo tỉnh xác định rõ trách nhiệm, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung gỡ khó cho doanh nghiệp.
Tương tự, tại tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, ngoài mô hình Cà phê doanh nhân còn có Tổ công tác đặc biệt của tỉnh. Chiều thứ năm hàng tuần, Tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng sẽ tiếp doanh nghiệp, nhà đầu tư. Hàng ngày từ 7 giờ 30 phút đến 8 giờ 30 phút sẽ sắp xếp thời gian tiếp doanh nghiệp tùy theo lịch làm việc của Chủ tịch UBND tỉnh.
Tổ công tác đặc biệt của tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là đơn vị đầu mối tập hợp, phân loại các kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong ngày. Từ đó phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu phương án xử lý khó khăn, báo cáo chủ tịch UBND tỉnh.
Mô hình “Bác sỹ doanh nghiệp” của tỉnh Bắc Ninh cũng là diễn đàn để giải đáp các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Tại một số tỉnh, thành phố khác đã thành lập Tổ công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhằm tiếp nhận các khó khăn, vướng mắc pháp lý của doanh nghiệp, kiến nghị phương án giải quyết theo thẩm quyền hoăc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết.
Bên cạnh những thành quả đã đạt được, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thời gian qua được đánh giá còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và hạn chế như: doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc phòng ngừa rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp từ sớm; kinh phí dành cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn hạn chế; nhân lực chủ yếu làm kiêm nhiệm; sự phối hợp giữa trung ương và địa phương, các cơ quan nhà nước và các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, các tổ chức dịch vụ pháp lý chưa đồng bộ, chặt chẽ và hiệu quả, còn có sự trùng lặp; nội dung, chương trình hỗ trợ pháp lý đôi khi còn nặng nề về hình thức, chưa đáp ứng đúng và trúng nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp...