- Chống tham nhũng, loại bỏ lợi ích nhóm, cương quyết ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ đảng viên… là những phát ngôn mà các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhấn mạnh trong năm 2012. Cùng điểm lại những thông điệp năm cũ để nhắc nhớ nhiệm vụ cho năm tới.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Nhóm lò lên…

Phát biểu khai mạc Hội nghị TƯ 4, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát đi thông điệp thẳng thắn được đông đảo nhân dân hưởng ứng và kỳ vọng, đó là “chỉnh đốn Đảng vì sự tồn vong của chế độ”. TƯ chọn ba vấn đề cấp bách cần làm ngay, đó là ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp...

Tổng bí thư: Bước đầu phải nhóm lò lên. Ảnh: Minh Thăng

Sau hơn nửa năm triển khai phê bình và tự phê bình theo tinh thần Nghị quyết TƯ 4, kết quả vẫn “chưa kỷ luật được ai” khiến không ít người dân băn khoăn, hoài nghi về hiệu lực “nói thật, làm thật” của bản nghị quyết.

Gặp gỡ cử tri Hà Nội sau kỳ họp QH vừa qua, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng giải thích rõ hơn mục đích, kết quả của cuộc phát động phê bình và tự phê bình trong Đảng. Theo đó, cuộc tự phê vừa qua mới chỉ là động thái đầu tiên trong lộ trình làm trong sạch hóa bộ máy, giống như nhóm lên một lò lửa vậy.

“Có củi khô, có củi tươi, có củi vừa vừa. Nhưng quan trọng nhất là bước đầu phải nhóm được cái lò lên, tạo thành hơi ấm, khi đó củi khô, củi tươi đưa vào cũng phải cháy hết. Sâu xa là như thế. Phải đồng lòng, nhất trí hết, nhóm lò lên”, Tổng bí thư phân tích.

Tinh thần nhân văn của Nghị quyết TƯ 4 là đấu tranh có lý có tình để tất cả cùng tiến lên chứ không cốt kỷ luật nhiều thì mới tốt.

Công cuộc phê và tự phê trong Đảng không thể chỉ làm trong thời gian ngắn mà còn là nhiệm vụ lâu dài của nhiều năm sau. Lò đã nhóm và cần được giữ lửa…

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Không thể trù úm cả dân tộc

Giống với Tổng bí thư, ở hầu hết các cuộc gặp gỡ cử tri TP.HCM, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thường xuyên phát đi thông điệp về nỗ lực đấu tranh phòng chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Chống tham nhũng không được sợ hãi hay né tránh. Ảnh: Tá Lâm

Theo ông, tham nhũng đang là một vấn nạn nghiêm trọng. Ban đầu chỉ là “một bộ phận”, sau đó phát triển thành “một bộ phận không nhỏ”, thậm chí bằng cả một tập đoàn. Trách nhiệm của toàn dân là phải cùng với cả hệ thống chính trị đấu tranh chống tham nhũng, không được sợ hãi hay né tránh.

“Chúng tôi hiểu tình hình trù úm người tố cáo là rất ghê gớm. Nhưng vì sợ bị trù úm mà chúng ta không tố cáo thì đất nước này sẽ thế nào? Người ta có thể trú úm một người, một nhóm người nhưng không thể trù úm cả dân tộc này”, Chủ tịch nước khẳng định.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Ngăn chặn lợi ích nhóm

Cụm từ “nhóm lợi ích” hay "lợi ích nhóm" gần đây được nhắc đến ngày một nhiều. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn nêu đích danh “lợi ích nhóm” trong phát biểu kết thúc hội nghị lần thứ 3 BCH Trung ương Đảng khóa XI. Như mô tả trong bản báo cáo kinh tế của Quốc hội thì lợi ích nhóm ở Việt Nam có đặc trưng là liên quan đến những người có chức, có quyền, nhất là quyền liên quan đến cán bộ, tài chính, ngân sách, đầu tư, đất đai.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Nhóm lợi ích đi ngược lợi ích quốc gia. Ảnh: Minh Thăng

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã được cử tri Hải Phòng chất vấn về giải pháp loại bỏ lợi ích nhóm để xây dựng nền kinh tế sạch.

Theo ông, lợi ích nhóm là một nhóm có quyền lực và vị thế nhất định câu kết với nhau để mưu cầu lợi ích cho các thành viên trong nhóm, nhưng lợi ích này đi ngược lại với lợi ích quốc gia, ảnh hưởng không tốt đến lợi ích chính đáng của đại đa số người dân.

“Chúng tôi kiên quyết ngăn chặn lợi ích nhóm để đảm bảo sự công bằng xã hội. Việc hợp tác, liên kết để giúp nhau làm giàu chính đáng là tốt, nhưng không thể vì lợi ích của anh mà phương hại đến lợi ích của cộng đồng”, Thủ tướng cho hay.

Người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định thông điệp quyết tâm loại bỏ bộ phận tham nhũng, tha hóa biến chất để làm trong sạch bộ máy.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Bỏ phiếu tín nhiệm phải đúng ý dân

Quốc hội vừa thông qua một bản nghị quyết được bàn thảo nhiều nhất trong năm vừa qua nhưng kết quả thực thi phải đợi đến năm sau, đó là chủ trương bỏ phiếu tín nhiệm.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng: Bỏ phiếu tín nhiệm phải dựa vào sủy thác của dân. Ảnh: Lê Anh Dũng

Theo như thông điệp được Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh nhiều lần thì việc lấy phiếu tín nhiệm là để thăm dò ý kiến, mức độ tín nhiệm của đại biểu QH, đại biểu HĐND đối với cán bộ. Còn bỏ phiếu là để thể hiện quan điểm có giữ cán bộ đó lại làm việc tiếp nữa hay không. Bỏ phiếu sẽ có quy trình chặt chẽ hơn, hậu quả nặng nề hơn.

Nếu ai đó nhận được sự bất tín nhiệm từ QH thì sẽ đưa ra miễn nhiệm, cách chức luôn và phải có ngay nhân sự khác thay thế.

“Làm ngay tắp lự trong 2-3 ngày. Nếu đưa ông A ra bỏ phiếu là phải có ông B thay vào đó. Quyền lực phải liên tục”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Thông điệp gửi tới cử tri, đó là việc đánh giá cán bộ sẽ phải làm khách quan, công bằng, dựa vào sự ủy thác của dân chứ không vì lợi ích cá nhân ai đó. Bỏ phiếu đúng ý dân thì mới đảm bảo đúng quyền năng của Quốc hội.

Ngọc Lê