Việt Nam đã xuất khẩu gần 7,4 triệu tấn gạo
Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến 15/11/2023, Việt Nam đã xuất khẩu gần 7,4 triệu tấn gạo, doanh thu đạt 4,15 tỷ USD, vượt mức thực hiện của năm ngoái 700 triệu USD. Đáng chú ý, xuất khẩu gạo tính đến nửa đầu tháng 11/2023 đã vượt cả năm 2022 (Năm 2022, ngành lúa gạo đã xuất khẩu thành công 7,1 triệu tấn, trị giá đạt 3,45 tỷ USD) về lượng lẫn giá trị. Chỉ trong nửa đầu tháng 11/2023, cả nước đã xuất khẩu 332.214 tấn gạo, trị giá đạt 219 triệu USD.
Về thị trường, theo Tổng cục Hải quan gạo Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang khu vực châu Á, lớn nhất là 2 thị trường ASEAN và Trung Quốc. Trong đó, tại ASEAN, gạo được xuất khẩu nhiều nhất sang Philippines, Indonesia, Singapore. Cụ thể, 10 tháng đầu năm xuất sang ASEAN đạt 4,2 triệu tấn, tăng 25,7%; xuất khẩu sang Trung Quốc đạt gần 900.000 tấn, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước.
Về cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu, các HTX lúa gạo sau thời gian mạnh ai nấy làm đã bắt đầu canh tác theo quy hoạch và khuyến cáo của Bộ NN&PTNT, xuất đi các thị trường đúng định hướng, gia tăng giá trị cho hạt gạo với các chủng loại như: gạo thơm, gạo nếp, gạo trắng cao cấp… Dự báo, xuất khẩu gạo, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới trong bối cảnh tình trạng căng thẳng nguồn cung gạo vẫn chưa có dấu hiệu được cải thiện.
Đáng chú ý, theo các chuyên gia lương thực năm 2024 được dự báo vẫn còn rất nhiều dư địa cho xuất khẩu gạo của Việt Nam khi nguồn cung thiếu hụt và các nước tăng cường nhập khẩu để đảm bảo an ninh lương thực trước những biến động khó lường của thị trường gạo toàn cầu. Do đó, các HTX lúa gạo cần tận dụng cơ hội này để gia tăng giá trị và sản lượng cho hạt gạo Việt Nam.
Nâng cao vai trò các HTX trồng lúa
Sản xuất gạo sạch, gạo hữu cơ hướng đến nền nông nghiệp xanh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu là hướng đi được nông dân và nhiều HTX lúa gạo đang thực hiện. An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Cần Thơ là 4 địa phương đang có số HTX trồng lúa sạch đứng đầu cả nước cả về sản lượng và chủng loại gạo xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Phú Cường, Giám đốc điều hành HTX nông nghiệp Vọng Đông, HTX này đang sản xuất lúa theo quy chuẩn SRP. Quy chuẩn SRP bao gồm 41 tiêu chuẩn đánh giá 8 lĩnh vực liên quan của sản xuất lúa gạo, như: Sử dụng nước, chuẩn bị xuống giống, thu hoạch và sau thu hoạch, quản lý đồng ruộng, quản lý sâu bệnh, quản lý dinh dưỡng, quyền của người lao động, sức khỏe và an toàn lao động…
“Hiện nay, HTX nông nghiệp Vọng Đông đáp ứng 37/41 tiêu chuẩn của SRP. Những tiêu chuẩn không đạt, gồm: Việc đốt rơm rạ sau thu hoạch; quản lý bao bì, vỏ thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; sử dụng đồ bảo hộ lao động; việc xả nước trên đồng ruộng xuống kênh, rạch sau khi phun thuốc bảo vệ thực vật. Hiện HTX đang vận động nông dân khắc phục những tiêu chí không đạt”, ông Cường chia sẻ.
Thực tế, không chỉ HTX Vọng Đông, nhiều HTX sản xuất lúa gạo tại đồng bằng sông Cửu Long cũng đang dần chuyển đổi từ canh tác truyền thống sang sản xuất theo hướng hữu cơ. Chuyển từ canh tác 3 vụ về 2 vụ; mở rộng diện tích luân canh 1 vụ lúa, 1 vụ màu hoặc luân canh lúa – cá theo hướng xanh, sạch, bảo vệ môi trường. Chính mô hình sản xuất này lên gạo của nhiều HTX đang bắt đầu được chứng nhận hữu cơ và có “thẻ bài” để tiến vào các thị trường khó tính như Mỹ, EU.
Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nhìn nhận, sản xuất gạo sạch, gạo hữu cơ hướng đến nền nông nghiệp xanh là hướng đi đúng đắn. Tuy nhiên, để mở rộng vùng sản xuất thì vai trò của các HTX và nông dân cần được đặt vào đúng vị trí. Trong bối cảnh giá trị và sản lượng gạo của Việt Nam đang ngày một tăng cao và khẳng định được vị thế, những HTX như Vọng Đông rất cần được nhân rộng…
Được biết, trong năm 2022, chỉ riêng tại An Giang đã xây dựng được 25 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo (10 công ty, 18 HTX/THT) với diện tích 6.462,5 ha, trong đó lúa hữu cơ 577,5 ha (theo TCVN 306,5 ha và Quốc tế (NOP, EU và JAS 271 ha)); lúa an toàn và VietGAP 5.885 ha. Diện tích lúa hữu cơ cũng được nhân rộng ở nhiều địa phương khác, như: Đồng Tháp, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và bắt đầu có nhiều thành quả rất đáng ghi nhận.