Theo Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV), năm 2022 Quảng Nam vượt qua Đà Nẵng vươn lên là địa phương đứng đầu cả nước về công tác xử lý vi phạm động vật hoang dã do người dân thông báo. Cụ thể, trong năm 2022, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam đã xử lý 26/26 vụ vi phạm về động vật hoang dã do người dân thông báo. Tỷ lệ xử án thành công lên tới 84,6%, trong đó động vật sống chiếm 94,1%.

Tổng số vụ việc có 4 vụ liên quan tới động vật hoang dã, 14 vụ vận chuyển lâm sản, 19 vụ tàng trữ lâm sản trái pháp luật và 3 vụ vi phạm quy định về quản lý hồ sơ lâm sản trong vận chuyển, mua bán, chế biến lâm sản.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Chi cục kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, tại địa phương vẫn còn xảy ra tình trạng săn bắt, kinh doanh động vật hoang dã và vận chuyển lâm sản. 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn xảy ra 196 vụ vi phạm, so với cùng kỳ năm 2022 đã giảm 05 vụ, số lượng tang vật là hàng trăm nghìn mét khối gỗ cùng với nhiều động vật hoang dã. Tổng trọng lượng động vật hoang dã là 227,6 kg với 498 cá thể và nhiều phương tiện tạm giữ. Hiện nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam đã xử lý 180 vụ việc liên quan tới bảo tồn đa dạng sinh học, trong đó có 11 vụ là khởi tố hình sự, xử lý hành chính 169 vụ. Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước là 1,36 tỷ đồng.

te te rung.png
Trong ba năm qua, Quảng Nam đã thu giữ và giải cứu hàng nghìn con tê từ các đối tượng mua bán trái phép. 

Riêng động vật hoang dã, từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn Quảng Nam đã phát hiện, xử lý 92 vụ, trong đó 8 vụ vô chủ, thu giữ hơn 1.500 cá thể, cứu hộ 1 cá thể tê tê java nằm trong danh mục loài nguy cấp quý hiếm và thả lại môi trường tự nhiên hơn 1.200 cá thể; tổng số tiền xử phạt hơn 300 triệu đồng.

Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam xác định công tác bảo vệ đa dạng sinh học cần nâng cao nhận thức của người dân, thay đổi hành vi từ cộng đồng.

Tỉnh Quảng Nam đã đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ từ tuyên truyền, tăng cường xử lý tuần tra, giám sát, tiến hành xã hội hóa công tác bảo vệ rừng. Đặc biệt là công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức đã tạo sự chuyển biến tích cực. Người dân đã chủ động thông báo cho lực lượng chức năng khi có các dấu hiệu vi phạm về động, thực vật hoang dã.

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, từ năm 2020 tới nay đã tổ chức hơn 1.400 đợt họp dân tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng, động vật hoang dã với sự tham gia 84.000 lượt người; trong đó, hơn 34.000 người ký cam kết về bảo vệ rừng và động vật hoang dã. Ngoài ra, lực lượng kiểm lâm huyện đã tổ chức được khoảng gần 900 đợt tuyên truyền lưu động hưởng ứng chiến dịch bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên hoang dã. 

Năm 2023, Thành phố Tam Kỳ và Hội An của tỉnh này đã ký cam kết nhà hàng nói không với động vật hoang dã. Các chủ nhà hàng đã nhận thức được trách nhiệm trong việc nâng cao bảo vệ động vật hoang dã, phòng chống tội phạm đa dạng sinh học, hướng tới mô hình không có thịt động vật hoang dã trên bàn ăn tại các thành phố này.

Chi cục Kiểm lâm phối hợp với các lực lượng chức năng đã thường xuyên kiểm tra, tuần tra phát hiện kịp thời các hành vi mua bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã. Từ đó, công tác quản lý bảo vệ động thực vật hoang dã và bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao.

Vũ Huệ và nhóm PV, BTV