Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô cho biết, Điện Biên là tỉnh biên giới thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, còn có những khó khăn thách thức, thuận lợi đan xen, thời điểm bắt đầu thực hiện Chương trình Chuyển đổi số (năm 2020) hạ tầng thông tin, viễn thông trên địa bàn tỉnh Điện Biên vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn và thách thức.

Trong đó, hạ tầng thông tin, viễn thông còn chưa đồng bộ, hiện đại, kinh tế số còn thấp, xã hội số còn yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của Nhân dân. Nhưng để để cụ thể hoá các chủ trương của Đảng về Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khắc phục những hạn chế và vượt qua những thách thức nêu trên, Điện Biên đã tận dụng những cơ hội và lợi thế để tạo nền tảng quan trọng, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.

Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô chia sẻ: Trước hết, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tỉnh Điện Biên ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định mục tiêu đạt mức độ phủ sóng 4G 100%; phấn đấu thực hiện 100% cấp thôn/bản có truy cập internet cáp quang; xây dựng và vận hành Trung tâm dữ liệu tỉnh; xây dựng và triển khai hệ thống quản lý, giám sát, điều hành hạ tầng số trên địa bàn tỉnh.

vien thong.jpg
Tận dụng những cơ hội và lợi thế, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Điện Biên triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, tích cực chỉ đạo tăng cường đầu tư, nâng cấp và mở rộng hạ tầng thông tin, viễn thông, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đảm bảo phủ sóng, chất lượng và bảo mật của các dịch vụ, sản phẩm và giải pháp số.

Nhờ những kết quả trong việc thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đã được nêu trên, kinh tế của tỉnh tăng trưởng và phát triển; tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 9,33%/năm, GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 48,6 triệu đồng/năm. Trong đó, kết quả đáng chú ý, tăng trưởng ngành Thông tin và Truyền thông năm 2023 ước đạt 1.115 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 8,78%. Kinh tế số năm 2023 ước chiếm 9,5% GRDP của tỉnh. Tỷ lệ thôn, bản được phủ sóng di động băng rộng 3G/4G tăng từ 75% của năm 2020 lên 95% năm 2023.

Tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh: tăng từ 44% của năm 2020 lên 72% năm 2023. Tỷ lệ thôn, bản được cung cấp dịch vụ băng rộng cố định cáp quang: tăng từ 80% của năm 2020 lên 88,7% năm 2023. Tỷ lệ hộ gia đình có kết nối Internet băng rộng cố định cáp quang; tăng từ 31% của năm 2020 lên 48% năm 2023…

Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên - Lê Thành Đô cho biết: Quá trình triển khai thực hiện để giải quyết vấn đề, tỉnh Điện Biên đã rút ra được một số bài học kinh nghiệm. Trên cơ sở đó, để phát huy hiệu quả kinh tế số, xã hội số, tỉnh Điện Biên kiến nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện các giải pháp hoàn thiện và triển khai các chính sách, kế hoạch, dự án và chương trình liên quan đến phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả và bền vững.

Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm, bố trí nguồn vốn để đầu tư hạ tầng lưới điện trên địa bàn tỉnh Điện Biên theo các Chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt.

Bộ Thông tin và Truyền thông bổ sung nhiệm vụ, kinh phí đầu tư xây dựng, duy trì hạ tầng, cung cấp các dịch vụ viễn thông (đặc biệt là dịch vụ thông tin di động) cho các doanh nghiệp viễn thông tại các khu vực chưa có điện lưới quốc gia vào Chương trình Viễn thông công ích và các chương trình, dự án khác liên quan, trong đó đạt mục tiêu 100% khu vực dân cư sinh sống, làm việc (thôn, bản, tổ dân phố) được phủ sóng thông tin di động 3G/4G/5G và băng rộng cố định cáp quang.

Xuân Long và nhóm PV, BTV