Nhà thờ Lớn Hà Nội đi vào tu sửa từ tháng 4/2021 do tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Lớp vữa phía ngoài đã hư hỏng nặng nề bởi tác động ngoại cảnh, do đó, lớp gạch nung bên trong cũng ảnh hưởng đáng kể, bắt đầu có dấu hiệu mủn gây nguy hiểm đến kết cấu kiến trúc.

Phương án tu sửa bao gồm: trát lớp vữa mới, sơn lại màu ghi xám và giả rêu xanh để giữ nguyên vẻ cổ kính cho nhà thờ.

Những ngày cận Tết, việc tu sửa đã được tạm dừng. Nhiều người dân, du khách bất ngờ với diện mạo mới của Nhà thờ Lớn.

Trên một số diễn đàn mạng xã hội, hình ảnh mới của Nhà thờ Lớn gây tranh cãi trái chiều. Trong khi nhiều người thích thú với hình ảnh khang trang, mới mẻ, được cải tạo đảm bảo an toàn của công trình này thì không ít người lại thất vọng, cho rằng việc tu sửa đã làm “hỏng” kiến trúc cổ kính của công trình Công giáo lớn nhất Hà Nội. Theo ý kiến của họ, Nhà thờ Lớn đã bị “hiện đại hóa” và đánh mất nét hoài niệm, cổ kính.

{keywords} 

Cận cảnh lớp màu mới của Nhà thờ Lớn, Hà Nội

Bạn Trà My (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Mình rất tiếc vẻ ngoài trước kia của nhà thờ. Giờ nhìn nhà thờ mất lớp rêu phong và mang màu sắc khác, mình thấy hụt hẫng. Nhìn nhà thờ như một công trình vừa xây dựng, xa lạ quá”.

"Cảm giác màu sơn hiện tại quá lạnh lẽo, không mang tới sự gần gũi, thân thuộc như trước đây. Tôi thích không gian nhà thờ như trước kia hơn", anh Quang Hà (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết.

{keywords}

Diện mạo sáng mới của Nhà thờ Lớn khiến nhiều người ngỡ ngàng

Trái lại, nhiều người tỏ quan điểm đồng tình với việc tu sửa Nhà thờ Lớn. Ngoài giá trị về mặt du lịch, nhà thờ còn là nơi sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của người Công giáo.

Trước tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của nhà thờ, việc tôn tạo là cần thiết nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng cho giáo dân, cũng như tổng thể kết cấu của công trình đã hơn 135 tuổi.

{keywords}

Việc tu sửa đã khắc phục được những hư hỏng bên ngoài của nhà thờ 

Bạn Hải (Long Biên, Hà Nội) bày tỏ: “Mình thấy tu sửa là cần thiết vì thật ra nhà thờ cũng cũ lắm rồi. Sửa là để đảm bảo an toàn cho người dân và kéo dài tuổi thọ cho kiến trúc. Tu sửa chỉ dừng ở việc sơn lại và không động tới kết cấu chung nên mình thấy nét cổ kính vẫn ở đó”.

Những người dân sống xung quanh nhà thờ đều tỏ ra đồng tình với việc tu sửa. "Sự cổ kính, giá trị của nhà thờ không nằm ở hình thức bên ngoài. Chúng tôi là những giáo dân nên đều vui mừng khi nhà thờ được tu sửa vừa khang trang vừa an toàn", ông Tất Thành (Hàng Trống, Hà Nội) cho biết.

{keywords}

Nhà thờ Lớn vẫn rất trang nghiêm, bệ vệ sau trùng tu

Theo tìm hiểu của phóng viên, trên thực tế, Nhà thờ Lớn đã được tu sửa mặt sau từ đầu năm 2021 với phương pháp tương tự được áp dụng cho chính tòa. Sau khi được sơn giả cổ, mặt sau của nhà thờ vẫn giữ nguyên nét cổ kính vốn có.

Được biết việc trùng tu mặt trước của nhà thờ vẫn trong giai đoạn hoàn thiện. Sau dịp Tết Nguyên đán 2022, Nhà thờ Lớn tiếp tục sửa chữa, hứa hẹn trả lại diện mạo vốn có cho địa điểm này.

{keywords}

Mặt sau của nhà thờ sau khi được hoàn thiện khá giống trước kia

{keywords}

 Sự khác biệt giữa mặt trước chưa hoàn thiện và mặt sau đã được sơn giả cổ

Thiên Dương