Cơ sở hạ tầng giao thông, thương mại, giáo dục, văn hóa, đời sống vật chất và tinh thần người dân nông thôn được nâng cao, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc. Nhiều xã, huyện nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao dần được hình thành.

Tham gia vào công cuộc xây dựng nông thôn mới từ năm 2011 theo Quyết định số 800/QĐ-TTg, ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ với xuất phát điểm là tỉnh thuần nông, đến 31/12/2023 tỉnh đã có 02 đơn vị hành chính cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới/đạt chuẩn nông thôn mới (thị xã Bình Minh, huyện Bình Tân); hoàn chỉnh hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Tam Bình đạt chuẩn nông thôn mới; 75/87 xã đạt chuẩn nông thôn mới – hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh Đảng bộ đến năm 2025, trong đó có 32 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

W-nuocsach.png
Ngoài việc đáp ứng nhu cầu sử dụng nước thì việc bảo đảm nguồn nước sinh hoạt sạch, hợp vệ sinh theo quy chuẩn luôn được cơ quan chuyên môn và chính quyền Vĩnh Long quan tâm.

Năm 2024, Sở Nông nghiệp và PTNT (Cơ quan Thường trực Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Vĩnh Long) đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2024 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó đã đặt ra mục tiêu cụ thể trong năm là đạt 05 xã nông thôn mới, 04 xã nông thôn mới nâng cao, phấn đấu đạt 04 xã nông thôn mới kiểu mẫu; hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Mang Thít thực hiện các tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Tổng nhu cầu vốn từ ngân sách tỉnh dự kiến phân bổ là 340.485 triệu đồng, trong đó: vốn đầu tư phát triển: 127.790 triệu đồng; vốn sự nghiệp Trung ương: 33.122 triệu đồng; vốn đầu tư công (ngân sách tỉnh): 129.890 triệu đồng; vốn đối ứng của ngân sách địa phương: 49.683 triệu đồng.

Ngoài ra, còn các nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, huyện, xã, vốn tín dụng, vốn huy động từ các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và các nguồn hợp pháp khác để thực hiện chương trình.

Trong Quý I/2024, tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức Lễ Công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Tam Bình đạt chuẩn nông thôn mới (theo Quyết định số 102/QĐ-TTg ngày 25/01/2024) và trong kỳ họp Hội đồng thẩm định tỉnh kỳ tháng 3/2024, đã thông qua và hoàn chỉnh thủ tục trình Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận thêm 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Lũy kế đến 10/5/2024 toàn tỉnh hiện có 03 đơn vị hành chính cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới/đạt chuẩn nông thôn mới (thị xã Bình Minh, 02 huyện Bình Tân và Tam Bình); 75 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 86,2%), trong đó có 35 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (chiếm 40,22%), 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (chiếm 5,74%) tổng số xã trên địa bàn tỉnh.

Trong 06 tháng cuối năm, tiếp tục phấn đấu để đạt được mục tiêu năm 2024, cụ thể trình Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long công nhận thêm 05 xã nông thôn mới, 01 xã nông thôn mới nâng cao, Ban Chỉ đạo CTMTQGXDNTM các cấp cần quan tâm thực hiện các nhiệm vụ chính như sau:

Một là, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới cấp xã, huyện giai đoạn 2021-2025 trên địa bản tỉnh Vĩnh Long, sớm triển khai, hướng dẫn địa phương thực hiện theo yêu cầu của Quyết định số 211/QĐ-TTg ngày 01/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Hai là, xây dựng, triển khai kế hoạch và thường xuyên phối hợp các sở, ngành tỉnh phân công phụ trách tiêu chí kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đảm bảo đạt hiệu quả, bền vững.

Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, phát huy sự tham gia tích cực chủ động của nhân dân và sự quan tâm của toàn xã hội.  Phối hợp tuyên truyền, lồng ghép trong thực hiện các kỳ họp, hội thảo, tập huấn, triển khai kế hoạch tại địa phương. Phát động sâu rộng phong trào thi đua “Vĩnh Long chung sức xây dựng nông thôn mới”. Quan tâm khen thưởng kịp thời kết hợp với phổ biến các mô hình, các điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về xây dựng nông thôn mới tại các địa phương trong tỉnh để nhân ra diện rộng

Bốn là, tiếp tục thực hiện Đề án cơ cấu lại nông nghiệp gắn với phát triển ngành nghề, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm của tỉnh đảm bảo chất lượng, thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn nông thôn theo Quyết định số 1316/QĐ-UBND, ngày 02/6/2021 về việc ban hành kế hoạch thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2025, phù hợp với Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1759/QĐ-TTg ngày 31/12/2023.

Năm là, tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cán bộ phụ trách công tác xây dựng nông thôn mới các cấp, người dân cùng chung tay thực hiện Chương trình theo hướng bền vững, tiến tới xây dựng nông thôn mới thông minh, hiện đại.

Sáu là, cần tăng cường hơn nữa việc huy động, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình dự án khác thực hiện trên địa bàn theo nguyên tắc ưu tiên huy động, khai thác tối đa nguồn lực trực tiếp tại địa phương, các nguồn vốn hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức, nguồn huy động của cộng đồng, cá nhân để tập trung ưu tiên hỗ trợ các địa phương theo kế hoạch đạt chuẩn.

Như vậy, đến cuối năm 2024, sau khi hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, tỉnh sẽ có 80 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 36 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, sớm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.